Nếu coi 5 năm qua chỉ là bước đi ban đầu, tìm hiểu thị trường, thì việc CPA Australia quyết định “chuyển sang nhà mới” tại Hà Nội và TP.HCM, khang trang hơn, chuẩn bị cho việc tuyển dụng thêm nhân sự là một bước ngoặt lớn.
| ||
Phòng làm việc thuộc Văn phòng CPA Australia tại Việt Nam |
Bà Trần Thiên Hương, Trưởng đại diện CPA Australia ở Việt Nam cho biết: “Sau 5 năm nghiên cứu thị trường Việt Nam, CPA Australia đã cam kết đầu tư lâu dài ở đây. Với 2 văn phòng mới, CPA Australia sẽ có điều kiện thuận lợi hơn, để cung cấp dịch vụ tốt nhất phục vụ cho khách hàng”.
5 năm là khoảng thời gian quá ngắn so với lịch sử phát triển gần 130 năm của CPA Australia trên toàn cầu, nhưng CPA Australia vẫn có thể tự hào về những gì đã làm được ở Việt Nam nhằm khẳng định vị thế và xây dựng một nền tảng phát triển vững chắc cho giai đoạn tới.
Vào năm 2008, không nhiều người Việt Nam biết đến CPA Australia. Có lẽ, chỉ hai tổ chức nghề nghiệp là Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA) cùng với sinh viên Đại học quốc tế RMIT Việt Nam, sinh viên chương trình Thạc sỹ kế toán quốc tế của Đại học Swinburne và nhân viên tại 4 công ty kiểm toán lớn có tiếng trên thế giới (như PWC, KPMG...) là biết rõ về CPA Australia. Cũng vào thời điểm đó, CPA Australia mới chỉ có gần 100 hội viên.
Hiện tại, Việt Nam đã biết đến CPA Australia nhiều hơn. Hơn nữa, với việc có trong tay chứng chỉ CPA Australia, các kế toán, kiểm toán viên Việt Nam đứng trước cơ hội khá rộng mở cho phát triển chuyên môn và thăng tiến nghề nghiệp. Ở Australia, nếu một kế toán, kiểm toán viên chỉ có bằng đại học, mà chưa có chứng chỉ CPA Australia, thì người đó chưa được thừa nhận trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng rất hẹp, khó được đề bạt ở những vị trí lãnh đạo.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, số người Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo của CPA Australia ngày càng nhiều hơn. Đến nay, số lượng hội viên của CPA Australia đã tăng lên gần 450 người, chủ yếu là người Việt Nam.
“Nếu lấy số lượng hội viên làm thước đo cho sự phát triển của một tổ chức nghề nghiệp, thì con số gần 450 hội viên là một thành quả rất đáng ghi nhận. Và điều này cũng cho thấy tín hiệu tốt về nỗ lực và khát vọng giành được chứng chỉ hành nghề quốc tế của người Việt Nam đã phát triển mạnh. Đây là cơ hội để CPA Australia phát triển mạnh hơn nữa ở thị trường Việt Nam”, bà Hương khẳng định.
Theo kết quả điều tra mới đây, Việt Nam đang thiếu khoảng 7.000 kế toán, kiểm toán viên có chứng chỉ quốc tế. Chưa kể, xu hướng dòng vốn FDI vẫn đang đổ vào Việt Nam, áp lực tái cấu trúc các ngân hàng, hệ thống tài chính… cũng đang đòi hỏi Việt Nam phải có một lực lượng không nhỏ các kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp có chứng chỉ quốc tế.
Cùng với việc gia tăng không ngừng số lượng hội viên, thành công của CPA Australia ở Việt Nam còn được ghi nhận ở việc tổ chức nghề nghiệp này trong 5 năm qua đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và phát triển ngành kế toán, kiểm toán. Từ việc hỗ trợ xây dựng chính sách, cụ thể là Luật Kiểm toán độc lập, đến việc cấp học bổng, tổ chức các chương trình tư vấn chuyên môn sâu, chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ hoạch định chính sách của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước…
Bà Hương nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhanh chóng chính thức hóa quan hệ hợp tác với Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính bằng việc ký kết biên bản hợp tác đối với hai đối tác chiến lược quan trọng này vào năm 2011 và 2012. Đây chính là nền tảng cho sự thành công của CPA Australia ở Việt Nam”.
Thanh Hà