Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội tháng 6 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước |
Cụ thể, trong tháng 6, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,52%), do các mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm, rau xanh tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,45%. Nhóm hàng có chỉ số giảm là nhóm giao thông giảm 1,51% do giá xăng dầu giảm; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,31%; bưu chính viễn thông giảm 0,32%.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI bình quân 6 tháng năm nay tăng do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2018 và chủ yếu tăng do sự tăng giá của nhóm hàng thực phẩm (tăng 6,46%) như thịt gia súc tươi sống (tăng 10,64%), gia cầm (tăng 7,13%) và rau xanh (tăng 11,96%);
Bên cạnh đó, do nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,78% do tăng giá dịch vụ sửa chữa nhà ở và tăng 16,02%; giá điện tăng 9,34%;
Nhóm giáo dục tăng 12,7% do thực hiện Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018, từ tháng 9/2018 giá học phí các trường PTCS và PTTH được điều chỉnh tăng và lộ trình tăng mức trần học phí đối với các trường cao đẳng, đại học theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, vì vậy, đến tháng 9/2018 hầu hết các trường cao đẳng, đại học đều có sự điều chỉnh mức giá tăng học phí, trong đó các trường cao đẳng có mức tăng bình quân 17,18%, các trường đại học có mức tăng bình quân 23,57%. Đây cũng là nguyên nhân CPI tháng 6 tăng.
Cũng trong tháng này, giá vàng tăng trở lại với mức tăng 1,89% so với tháng trước; giá đô la Mỹ của các ngân hàng tăng nhẹ 0,38%. Bình quân 6 tháng đầu năm, giá vàng tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2018; giá USD tăng 2,21%.