Trước diễn biến giá cả thị trường 7 tháng vừa qua và dự báo 5 tháng còn lại của năm 2021, chuyên gia ngành thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, năm nay, CPI bình quân chỉ tăng 3,3-3,7%.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành thương mại |
Ông có bình luận gì trước việc CPI bình quân 7 tháng chỉ tăng 1,64%?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước; tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.
Tuy nhiên, CPI bình quân 7 tháng chỉ tăng 1,64% là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản (không tính mặt hàng lương thực, thực phẩm; năng lượng và hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) chỉ tăng 0,89%.
Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát là chỉ số vô cùng quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp kể từ đầu tháng 7 trở lại đây, thì việc ổn định được giá cả thị trường là thông tin vô cùng phấn khởi trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch.
Nhưng theo tôi, việc người dân có được thụ hưởng toàn bộ thành quả của CPI thấp hay không mới là vấn đề cần phải bàn theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là người dân phải được thụ hưởng mọi thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân được thụ hưởng thành quả nhờ kiểm soát tốt lạm phát nghĩa là thế nào?
Trong 7 tháng vừa qua, giá xăng dầu điều chỉnh 12 đợt, tăng 20,36%, làm CPI chung tăng 0,73 điểm phần trăm; giá gas tăng 5 lần tác động làm tăng CPI 0,27 điểm phần trăm. Học phí, giá gạo, giá vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, thép, cát sỏi…) đều tăng, nhưng CPI chỉ tăng 1,64% một phần do dịch bệnh khiến người dân bị giảm thu nhập, nên buộc phải giảm chi tiêu.
Dịch bệnh khiến hàng loạt địa phương phải giãn cách xã hội, cách ly xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, thậm chí nhiều địa phương thực hiện biện pháp chưa bao giờ áp dụng là cấm người dân ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau và ngay cả ban ngày cũng hạn chế tối đa người dân ra đường nhằm phòng chống dịch bệnh. Người dân không ra đường, nên mọi hoạt động mua bán hàng hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ bị ngưng trệ, khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ không tăng được.
Ngoài ra, cũng do đại dịch khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nên đã 2 lần buộc phải hoãn tăng lương cơ sở, lương hưu và tăng trợ cấp xã hội, khiến thu nhập của hàng chục triệu người không tăng, buộc họ phải “thắt lưng, buộc bụng”, chỉ chi tiêu những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cầu giảm khiến giá cả không tăng được.
Những nguyên nhân bất khả kháng kể trên khiến người dân không được hưởng trọn vẹn thành quả kiểm soát lạm phát. Nhưng điều mà tôi muốn nói là người dân không được hưởng trọn vẹn thành quả kiểm soát lạm phát còn có yếu tố chủ quan nữa.
Đó là gì, thưa ông?
Lấy mặt hàng thịt lợn làm ví dụ, trong khi giá thịt lợn hơi tại chuồng giảm 25%, thì giá thịt lợn bán lẻ chỉ giảm 5,4%. Thậm chí, tôi còn chứng kiến có siêu thị bán một cân sườn non lên tới 278.000 đồng, cao hơn cả khi giá thịt lợn lúc cao nhất.
Giá bán lẻ các mặt hàng thực phẩm (chiếm 22,6% tổng chi tiêu của người dân) nói chung chỉ giảm 0,44%, trong khi giá do người sản xuất bán ra giảm rất nhiều lần trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tăng rất cao. Giá bán tại vườn và giá bán lẻ các mặt hàng rau, củ, quả cũng tương tự.
Như vậy, CPI tăng thấp, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít, người sản xuất thậm chí còn bị thua lỗ do đầu vào tăng, trong khi đầu ra giảm rất mạnh. Tất cả phần lợi nhuận này rơi vào khâu trung gian. Nếu quản lý tốt hơn, tôi tin rằng, CPI bình quân 7 tháng đầu năm còn thấp hơn nữa và đặc biệt là cả người sản xuất, tiêu dùng đều được hưởng thành quả.
Ý ông muốn nói là khâu lưu thông còn yếu?
Từ nơi sản xuất đến chợ dân sinh phải qua 5-7 khâu trung gian thì làm sao giá cả không tăng. Doanh nghiệp nào cũng muốn đưa hàng hóa vào siêu thị thì chiết khấu cho siêu thị tăng, nên giá mua ở nơi sản xuất bị dìm xuống.
Nhà nước chỉ quản lý giá, kiểm soát giá rất ít loại hàng hóa, dịch vụ, còn lại để cho thị trường định đoạt, nên các cơ quan quản lý nhà nước không thể yêu cầu siêu thị, cửa hàng tạp hóa, người bán hàng ở chợ phải giảm giá mặt hàng này, mặt hàng kia, hay tăng giá mua của người sản xuất. Cách duy nhất mà Nhà nước có thể làm là thiết kế lại chuỗi lưu thông hàng hóa theo hướng bỏ càng nhiều khâu trung gian càng tốt. Tốt nhất là hàng hóa sản xuất ra được đem thẳng tới siêu thị, chợ dân sinh bằng việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Khâu bảo quản nông sản, thực phẩm rất yếu do không có kho hàng dự trữ, nên sản xuất ra phải bán ngay, không bán thì chỉ có nước đổ bỏ. Ai cũng bán, cung vượt quá cầu nên liên tục phải kêu gọi xã hội giải cứu hết mặt hàng này đến mặt hàng khác. Để xử lý vấn đề này, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây kho hàng dự trữ, bảo quản để bán hàng nông sản quanh năm, chứ không bán theo mùa vụ.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, giá xăng dầu vừa có đợt điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng có thể tăng trong những tháng cuối năm nay. Với diễn biến này, ông dự báo CPI năm nay ra sao?
Giá xăng dầu vừa có đợt điều chỉnh giảm nhẹ sau 3 lần tăng giá liên tiếp, nhưng xu hướng tăng giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào là không tránh khỏi, do nhu cầu thế giới đang tăng mạnh nhờ đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, kể cả dịch bệnh chưa kiểm soát được, giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh như 7 tháng đầu năm, thì tôi vẫn tin rằng, CPI bình quân năm nay chỉ khoảng 3,3-3,7%.
Dịch bệnh rồi sẽ sớm qua đi, nên điều mà tôi lo nhất là giá xăng dầu. Hiện tại, Việt Nam can thiệp giá bán lẻ xăng dầu thông qua Quỹ Bình ổn xăng dầu. Quỹ này hoạt động có hiệu quả nhất định, nhưng không bền vững một khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng. Vì vậy, để can thiệp giá bán lẻ xăng dầu, bảo đảm đầu vào của nền kinh tế và tiêu dùng của cả xã hội, theo tôi, nên thực hiện dự trữ xăng dầu như nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn tại Mỹ, nguồn xăng dầu dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vào khoảng 6-7 tháng.