Tham vọng bị bỏ ngỏ
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) từng đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ sản xuất được 1 triệu con heo mang thương hiệu “Bapi Food - Heo ăn chuối” và tích cực tìm kiếm thêm đối tác tiềm năng để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm được chế biến từ thịt heo. Ngoài ra, Công ty tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại Gia Lai (mục tiêu cung cấp ra thị trường 1 triệu con heo ăn chuối và 20 triệu con gà ăn chuối).
Kỳ vọng doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để Công ty trả nợ và mở rộng kinh doanh, tuy nhiên, trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28/4 tới đây, Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, Công ty dự kiến duy trì quy mô 7.000 ha trồng chuối; duy trì 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt mỗi năm (thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 1 triệu heo ăn chuối).
Về định hướng kinh doanh, tập trung mọi nguồn lực cho hai ngành nghề kinh doanh cốt lõi là chăn nuôi và trồng trọt; thực hiện các thủ tục liên quan tới việc nhận chuyển nhượng CTCP Gia súc Lơ Pang và đầu tư góp vốn thành lập CTCP BAPO Hoàng Anh Gia Lai; hoàn thành cơ bản việc thoái vốn đầu tư vào nhóm CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG), giảm mạnh số dư nợ ngân hàng và giảm chi phí lãi vay; triển khai thực hiện việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022.
Được biết, luỹ kế 3 tháng đầu năm 2023, ước tính doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai là 1.826 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước tính 307,7 tỷ đồng, hoàn thành 22,83% kế hoạch lợi nhuận năm. Tính tới cuối tháng 3/2023, giá thịt heo tại thị trường trong nước duy trì ở mức thấp, song giá chuối lại cao nhất trong năm, cùng với sản lượng đạt được tương đương kỳ vọng nên toàn bộ lợi nhuận trong tháng 3 đến từ doanh thu chuối (tháng 2 lợi nhuận cũng đến từ chuối).
Như vậy, đã 2 tháng liên tiếp, hoạt động chăn nuôi heo không tạo ra lợi nhuận và Công ty không có dấu hiệu tăng quy mô nuôi heo, cũng như dự án “gà chạy bộ ăn chuối” đang bỏ ngỏ về tính khả thi và không còn được nhắc tới.
Loay hoay tìm động lực tăng trưởng
Từ năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai đã có quyết định bước ngoặt khi chuyển từ lĩnh vực bất động sản sang cao su. Thời điểm năm 2012, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu bất động sản, xây dựng và bán khoáng sản lên tới 3.666,14 tỷ đồng, chiếm tới 83% tổng doanh thu. Tới năm 2014, doanh thu đã dịch chuyển khi nhóm nông nghiệp gồm mía đường, bán bắp, mủ cao su ghi nhận tới 1.473,3 tỷ đồng, chiếm 48% tổng doanh thu. Được biết, để có sự dịch chuyển đó, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư 100 triệu USD vào trồng mía, đồng thời thực hiện trồng hàng loạt dự án cây cao su.
Tháng 6/2014, Hoàng Anh Gia Lai chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2016, doanh thu từ chăn nuôi bò ghi nhận 3.465 tỷ đồng, chiếm 54% tổng doanh thu. Ngược lại, lĩnh vực mía đường, bán bắp, mủ cao su chỉ ghi nhận 718,63 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu.
Sau đó, doanh thu chăn nuôi bò có dấu hiệu suy giảm, ông Đức tiếp tục chuyển dịch sang lĩnh vực trái cây với kỳ vọng từ chanh leo, thanh long và chuối.
Năm 2017, khi chuyển dịch mô hình sang công ty nông nghiệp trồng cây ăn trái, HAGL từng kỳ vọng trái chanh leo sẽ tạo sự đột biến cho Công ty và thâm nhập được thị trường Trung Quốc, bên cạnh thanh long và chuối.
Trong năm 2018, doanh thu bán trái cây đạt 2.897,28 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng doanh thu. Ngược lại, doanh thu nuôi bò chỉ đạt 126,83 tỷ đồng, chiếm 2% tổng doanh thu. Tới năm 2020, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu trái cây giảm 21,2% so với thời điểm năm 2018 và đạt 2.283,09 tỷ đồng, chiếm 71,9% tổng doanh thu, đồng thời không ghi nhận doanh thu nuôi bò.
Năm 2022, cơ cấu doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai một lần nữa chuyển dịch khi doanh thu chăn nuôi là 1.620 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng doanh thu; doanh thu cây ăn trái là 2.277 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng doanh thu; doanh thu phụ trợ ghi nhận 677 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng doanh thu.
Thời điểm dịch chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi heo, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: “Tôi có thể khẳng định, Hoàng Anh Gia Lai đã sang trang mới và tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp”.
Như vậy, từ năm 2012 tới nay, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức liên tục thay đổi lĩnh vực cốt lõi, từ bất động sản sang nông nghiệp mía đường, cao su, tiếp tục dịch chuyển sang lĩnh chăn nuôi bò, rồi sang lĩnh vực trái cây và mới nhất là chăn nuôi heo.