Tài chính - Chứng khoán
CTX Holdings và khu đất vàng bỏ hoang giữa lòng Hà Nội
Thanh Thủy - 18/07/2021 09:35
Dự án Constrexim Complex đã bỏ không suốt 2 năm qua, sau khi cấp tập giải tỏa khu chợ tạm nông sản Dịch Vọng Hậu để lấy đất làm dự án.
Khu đất Dự án Constrexim Complex của CTX Holdings đang “đắp chiếu”, gây lãng phí tài nguyên.

Đất đai đang bị lãng phí

Tại góc giao giữa đường Vành đai 3 và đường Xuân Thủy, những chiếc cột đèn ngoài nhiệm vụ chiếu sáng còn lĩnh thêm một vai trò bất đắc dĩ khi trở thành cột dựa cho các loài dây leo vươn bám. Khu đất bên dưới cột đèn nằm trong lô đất A1-2 của Khu đô thị Cầu Giấy mà Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings) được giao để thực hiện Dự án Tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex, nhưng đến nay vẫn bỏ không.

Phần diện tích hơn 2,5 ha tại một trong những lô đất vàng còn lại của Khu đô thị Cầu Giấy đang là nơi cây cối mọc um tùm, rác thải ngổn ngang. Không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố, mà đất đai đang bị lãng phí.

CTX Holdings sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ 2 vào ngày 28/7 sau lần tổ chức bất thành trước đó do tỷ lệ tham dự chỉ đạt 11,2%. Trước đó, nhiều tờ trình tại cuộc họp cổ đông năm 2020 chưa được sự thông qua của các cổ đông. Đáng chú ý, cổ đông CTX Holdings còn nhất trí về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán. Đây cũng là lý do CTX Holdings chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020. Một trong các nội dung quan trọng được trình tại kỳ họp tới là việc bầu nhân sự Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới.

CTX Holdings đã có giấy chứng nhận đầu tư dự án của UBND TP. Hà Nội từ tháng 7/2012 và văn bản chấp thuận tổng mặt bằng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc năm 2017. Dự án được sử dụng để làm trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ với 45 tầng và 3 tầng hầm. Theo đó, Dự án gồm 1 tòa văn phòng, 3 tòa căn hộ chung khối đế 5 tầng dịch vụ và thương mại, 3 tầng hầm để xe và hệ thống kỹ thuật.

Kể từ sau khi cấp tập giải tỏa chợ tạm nông sản Dịch Vọng Hậu đầu năm 2019, Dự án vẫn nằm im không biến chuyển. Thực tế, chủ đầu tư cũng đã tiếp tục giải ngân vào Dự án, nhưng nhỏ giọt.

Theo báo cáo tài chính quý I/2021, số tiền mà CTX Holdings đầu tư vào Dự án Tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex gần 444 tỷ đồng, tăng thêm vỏn vẹn 5 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Hai năm trước đó, Công ty cũng đầu tư thêm khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, đây là khoản đầu tư lớn nhất và chiếm 55% chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp này.

Dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư

Báo cáo tình hình hoạt động năm 2020, lãnh đạo CTX Holdings cho biết, các dự án của Công ty, không riêng Constrexim Complex, đều không triển khai. Lý do bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ngoài nguyên nhân khách quan, năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng đặt ra nhiều nghi vấn.

CTX Holdings tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 2006 và niêm yết cổ phiếu năm 2012. Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết, doanh nghiệp này chỉ chi trả cổ tức duy nhất một lần vào cuối năm 2012 và vẫn duy trì mức vốn điều lệ 263,5 tỷ đồng đến cuối năm 2017. Khoản lợi nhuận đột biến từ bất động sản năm 2017 phần lớn nhờ thương vụ chuyển nhượng lô đất D28, Khu đô thị Cầu Giấy cho một tập đoàn công nghệ lớn trong nước, giúp CTX Holdings ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử kinh doanh.

Từ nguồn lực này, Công ty tăng vốn gấp gần 3 lần thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu trong năm 2018. Dự kiến, trong năm 2021, CTX Holdings tiếp tục tăng vốn lên 963 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thông qua hình thức chia tách cổ phiếu tương tự. Phương án tăng vốn trên không giúp Công ty có thêm nguồn tiền mới. Trong khi, vốn vay hiện đã được sử dụng khá nhiều với tổng nợ phải trả cuối quý I/2020 chiếm 54,8% tổng nguồn vốn (2.193 tỷ đồng).

Năm 2020, ngoài việc không triển khai đầu tư, hoạt động kinh doanh của CTX Holdings gần như “đóng băng”. Doanh thu hoạt động kinh doanh cả năm 2020 chỉ đạt 153 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ do cả nguồn thu từ mảng bất động sản và xây dựng đều hao hụt. Riêng quý IV/2020, CTX Holdings còn không có doanh thu từ thi công xây lắp. Doanh thu tài chính cũng chỉ bằng 1/3 năm trước do khoản tiền gửi ngân hàng của Công ty đã sụt giảm đáng kể. Công ty vẫn lỗ ròng hơn 14 tỷ đồng cả năm.

Trừ các năm 2013, 2017 và 2019 hạch toán giao dịch đột biến từ kinh doanh bất động sản, lợi nhuận của CTX Holdings rất khiêm tốn. Việc chia tách cổ phiếu các năm trước cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu CTX trên sàn HNX chịu áp lực pha loãng và đang giao dịch quanh mức 6.500 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa thị trường chỉ gần 540 tỷ đồng.

Dù không chia cổ tức cho cổ đông nhiều năm nay, tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng của CTX Holdings hiện chỉ xấp xỉ 122 tỷ đồng, trong khi, CTX Holdings không chỉ đầu tư vào dự án Constrexim Complex. Qua đó, có thể thấy, năng lực của chủ đầu tư này rất khiêm tốn.

Tin liên quan
Tin khác