Ai đã từng gắn bó lâu ngày với mảnh đất “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”, mới cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt hai bờ Nam - Bắc sông Trà Khúc. Cách đây vài năm, ven bờ con sông này chỉ là những bụi tre già nghiêng mình soi bóng, đến mùa lũ, liên tục xảy ra sạt lở...
Thế nhưng hôm nay, đứng giữa cầu Trà Khúc nhìn về phía biển Cửa Đại, hai tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (phía Bắc) và công trình bờ Nam đã được đưa vào sử dụng rộng thênh thang, vững chãi. Những bờ kè có giải phân cách là những hàng cây thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đã làm nên dáng hình một đô thị khang trang, hiện đại bên sông. Có người đã ví rằng, hai tuyến đường bờ Nam và Bắc sông Trà Khúc, như đôi cánh dang rộng, để đưa đô thị TP. Quảng Ngãi hướng ra phía biển. Từ điểm nhấn này, nhiều ý tưởng hình thành nên các đô thị đang được các nhà đầu tư biến thành hiện thực.
Các tuyến giao thông huyết mạch đã được đầu tư xây dựng để Quảng Ngãi kết nối liên vùng. Ảnh: Hà Minh |
Đó là Dự án Khu đô thị mới Thiên Tân của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (một doanh nghiệp của địa phương) có diện tích 261 ha, tổng vốn theo chủ đầu tư khoảng 4.104,6 tỷ đồng tại khu vực thôn An Phú (xã Tịnh An) và một phần phường Trương Quang Trọng. Theo ý tưởng, Thiên Tân sẽ đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp gồm quảng trường, trường học, bệnh viện, khu trung tâm thương mại, sân tập golf, trung tâm hội nghị, nhà hát đa chức năng, công viên cây xanh, xen kẽ các khu nhà ở...
Ngoài ra, Dự án cũng bao gồm xây dựng tuyến đường cầu Trà Khúc mới, kết nối từ đường Lê Trung Đình kéo dài qua khu vực đảo giữa sông và rẽ nhánh phía Đông, nhập vào tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê; xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh với diện tích 27 ha; xây dựng cao trình thoát lũ với đề xuất cao trình đảo chính 9m, vị trí thấp nhất là 8,2 m.
Theo ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group, ý định đầu tư “siêu” Dự án này manh nha khi tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê được triển khai xây dựng. Hiện nay, khi 2 tuyến đường này hoàn thành, đã củng cố thêm tiềm năng mà Thiên Tân Group còn mới lờ mờ nhìn thấy thời gian qua. Vì vậy, Dự án sẽ được ưu tiên đặc biệt để triển khai trong thời gian tới.
“Công trình đường bờ Nam cùng với tuyến đường bờ Bắc sông Trà đã hoàn thành, góp phần cải thiện hạ tầng đô thị TP. Quảng Ngãi, đưa Thành phố hướng về phía đông theo quy hoạch được duyệt. Đây là công trình quan trọng đối với sự phát triển của TP. Quảng Ngãi và của tỉnh”, ông Hà Hoàng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Theo tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, khi xây dựng tuyến đường này sẽ tạo cú hích về thu hút nhà đầu tư khai thác quỹ đất dọc tuyến để phát triển đô thị và làm tăng nguồn thu từ quỹ đất cho tỉnh.
Cùng với việc triển khai các dự án động lực, để dần hoàn thiện quy hoạch giao thông đô thị Quảng Ngãi, tiến tới đưa Quảng Ngãi lên đô thị loại 2, các tuyến giao thông huyết mạch cũng đã được đầu tư xây dựng để giao thông Quảng Ngãi thông suốt, kết nối liên vùng. Trong đó, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đã hoàn thành, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được gấp rút thi công dự kiến hoàn thành cuối năm 2017, Quốc lộ 24 - 24B được nâng cấp, mở rộng… Điều này sẽ tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng, miền núi và tăng tính liên kết rộng khắp giữa Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, Hà Hoàng Việt Phương nhận định, các tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 24 (Km0 – Km8), đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, đường bờ Nam sông Trà Khúc và một số tuyến đường nội thị TP. Quảng Ngãi hoàn thành, góp phần hoàn thiện đồng bộ mạng lưới giao thông. Theo thống kê, trước năm 1989, hầu hết các trục đường do tỉnh quản lý đều là đường đất, thì đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 3.27a3,4 km đường bê tông nhựa, láng nhựa, bê tông xi măng. Tất cả các huyện trong tỉnh đều có đường nhựa đến trung tâm huyện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã…
Cũng theo ông Hà Hoàng Việt Phương, để mạng lưới hạ tầng giao thông Quảng Ngãi phủ rộng khắp, đánh thức hiệu quả tài nguyên biển, tiềm năng về du lịch và các ngành kinh tế khác, Quảng Ngãi rất cần được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm và ủng hộ. Đặc biệt, Dự án ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2 cần phải được rót vốn đầu tư hoàn chỉnh để kết nối với đường ven biển Hội An - Tam Kỳ - Núi Thành (Quảng Nam) và Hoài Nhơn – Quy Nhơn (Bình Định)... tạo thành tuyến đường hoàn chỉnh ven biển chiến lược Việt Nam.
Điều này cũng đồng quan điểm với ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định rằng, việc đầu tư từng đoạn một sẽ không phát huy tác dụng, chất lượng không đồng đều. Đoạn sau chờ đầu tư lâu quá, khi làm xong thì đoạn trước đã hư hỏng. Tại Hội nghị Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung, ông Thắng kiến nghị Trung ương, cần hỗ trợ vốn để tuyến ven biển này sớm hoàn thiện, đấu nối với tuyến ven biển của Bình Định đã hoàn thành từ mấy năm nay.
Theo tính toán, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2) cùng với cầu cửa Đại, nối liền giữa xã Tịnh Khê với xã Nghĩa Phú qua sông Trà Khúc, cần vốn đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để liên kết vùng KTTĐ miền Trung hiệu quả, Chính phủ cũng quan tâm nghiên cứu đầu tư đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn dài 170km. Hiện nay, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang triển khai đầu tư mới đến huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).
Cùng với đó, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 kết nối Quảng Ngãi - Kon Tum - cửa khẩu quốc tế Bờ Y - các tỉnh Tây Nguyên. Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24B đoạn Km23+300 - Km29+100, tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, xuất phát từ cảng Sa Kỳ đi qua TP. Quảng Ngãi để hình thành nên các trung tâm đô thị phía Tây (huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà) nối với Quốc lộ 24 lên Tây Nguyên.
Đặc biệt, đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, dài 18km, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với Quốc lộ 1A qua KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP, điểm cuối là cụm cảng Dung Quất 2, nối vào đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, phục vụ vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp VSIP đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tỏa đi khắp cả nước và quốc tế.