Nhân viên Alibaba bán gần 7.000 sản phẩm đất nền dự án "ma" cho khách hàng. |
Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu gửi giấy triệu tập gần 20 giám đốc công ty con của Địa ốc Alibaba. Động thái này nhằm phục vụ công tác điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Alibaba.
Ngay cả vợ Luyện và người em trai út là Nguyễn Thái Lực cũng bị Công an TP.HCM triệu tập làm việc. Cụ thể, Lực là Giám đốc Công ty Địa ốc Xanh (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Công ty Địa ốc Long Thành ALI (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai). Trong khi đó, Võ Thị Thanh Mai (phụ trách pháp lý Alibaba, vợ Nguyễn Thái Luyện) đứng tên giám đốc 2 công ty là Công ty Alibaba Law Firm và Công ty Xây dựng Maluna.
Theo Công an TP.HCM, trong hơn 3 năm hoạt động, anh em Luyện lập 29 dự án ở Đồng Nai, 9 dự án ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 2 dự án ở Bình Thuận. Lãnh đạo các tỉnh này khẳng định chưa ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê đất để Công ty Alibaba làm dự án nhưng các đối tượng vẫn lên mạng quảng cáo sai sự thật để bán đất nền.
Đến nay, Công an TP.HCM xác định anh em Nguyễn Văn Luyện đã ký hợp đồng bán đất cho hơn 6.700 người, thu về 2.650 tỷ đồng. Tuy nhiên, cú lừa đầu tiên của Luyện đến ngay từ khi Alibaba được thành lập.
Khi đó, vào năm 2016 khi Luyện vừa lập Công ty Alibaba, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Trần Anh Long An là người đầu tiên giao dự án cho Luyện bán. Dự án mang tên Vista Land tại huyện Đức Hòa tỉnh Long An, dự án với hơn 4 ha đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III.
Sau khi được người phụ nữ tên Diệu, chuyên mua đất nền của Công ty Trần Anh Long An giới thiệu Luyện với ông Vinh, ông Vinh đồng ý để Luyện bán đất nền dự án này.
Bà Diệu kể với phóng viên, khi Luyện lấy được dự án và bán, Luyện cũng cắt luôn liên hệ với bà và không chi trả phần trăm môi giới cho bà Diệu như đã hứa.
Sau khi lấy dự án, ngay lập tức, Luyện vẽ ra những tiện ích như trường học, dự án 3 mặt tiền, các tiện ích như siêu thị, chợ… tại ngay trong dự án. Luyện làm luôn hai loại hợp đồng, một loại do Công ty Alibaba của Luyện ký với khách hàng, loại kia là giữa Công ty Alibaba ký với Công ty Trần Anh Long An. Giá bán của Luyện cho khách hàng cao hơn giá bán mà Luyện ký với Công ty Trần Anh Long An.
Sau khi bán xong dự án, khách hàng kéo tới Công ty Trần Anh Long An phản ánh vì giá tiền mà Luyện thu khác với giá tiền mà trong hợp đồng Công ty Trần Anh Long An ký với khách hàng. Vụ việc vỡ lở thêm khi những tiện ích mà Luyện chào bán cho khách hàng như dự án không có.
Khách hàng tới Công an TP.HCM trình báo Công ty Alibaba lừa đảo. |
Kết quả cuối cùng, Công ty Trần Anh Long An nhận trái đắng với việc phải thiệt hại hơn 4 tỷ đồng vì đền tiền cho khách hàng, còn Luyện đã rút quân, và cũng bởi hợp đồng ký với Luyện có nhiều kẽ hở, nên phi vụ này ăn giữa hai bên coi như “huề cả làng” và Trần Anh Long An chịu thiệt.
Sau đó, Luyện lui quân về Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu vẽ dự án “ma” ra bán. Giờ đây, Luyện bị bắt, các dự án mà Luyện vẽ ra, đã làm hạ tầng bị bỏ hoang phế.
Cụ thể, Dự án Alibaba Tân Thành Center 3, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - khu đất rộng hơn 5 ha tại ấp Sông Xoài 1 được rao bán đất nền trái phép hiện nay cũng hoang tàn, không có người lui tới giao dịch như trước đây.
Xã Long Phước, huyện Long Thành là đại bản doanh của Alibaba khi ở xã này có tới 14 khu đất mà Công ty Alibaba lập dự án “ma” ra bán. Hiện các dự án này đã được công ty tự tháo dỡ, trụ sở thì không còn hoạt động. Ở các khu đất khác, chỉ là đất nông nghiệp trống, không có hạ tầng…
Cay đắng nhất và cũng ít dám ý kiến nhất đó là hơn 2.500 nhân viên môi giới của Alibaba vì hầu hết các đất nền của Alibaba đều được Luyện bán cho nhân viên của mình.
Chị T.T.V, 23 tuổi, nhân viên môi giới Công ty Alibaba trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh cho biết năm 2017 khi vừa mới ra trường, bạn bè giới thiệu vào làm nhân viên môi giới Công ty Alibaba vì làm công ty này sẽ được mua đất đầu tư lợi nhuận hàng tháng lên tới 28% mà giá chỉ vài trăm triệu.
Vậy là chị V gia nhập đội môi giới của Alibaba. “Vào công ty tôi nhận được cuốn sách Cẩm nang Sales bất động sản do CEO Nguyễn Thái Luyện viết. Cuốn sách này dạy chúng tôi phải lập danh sách ân nhân với 100 người thân, hàng ngày chịu khó nhắn tin nói chuyện quan tâm họ và rồi mượn họ mỗi người 10 triệu nói mua lô đất 400 triệu, mượn 10 triệu thì họ cho mượng chứ mượn vài chục tới hàng trăm triệu thì họ sẽ không có mượng, mượn được tiền thì mua đất nền của Alibaba bán để đầu tư, có lời sẽ trả lại cho người thân và mời người thân tham gia mua đất làm giàu cùng Alibaba. Giờ tôi và người thân mua tới hơn 10 nền đất với hơn 5 tỷ đồng”, chị V nói.
Nhưng vì là nhân viên môi giới của công ty và người thân mua quá nhiều nên giờ V đứng ngồi không yên.
Theo Công an TP.HCM, hiện đã có hơn 1.000 người tới viết bản tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo. Công an TP.HCM cũng kêu gọi các khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba liên hệ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, hay Bộ Công an và Cơ quan Cảnh sát điều tra ở các địa phương liên quan, cung cấp thông tin để phục vụ điều ra làm rõ vụ án.