Doanh nghiệp
Cửa rộng mở cho hãng bay vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo
Anh Minh - 24/02/2022 08:46
Dù hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh cho hãng bay hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam - IPP Air Cargo vẫn còn phải bổ sung, song cánh cửa cho hãng hàng không này vẫn rộng mở.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang chiếm khoảng 25 - 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Hãng bay 100% vốn nội?

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, tiến trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo (IPP Air Cargo) đang tạm thời bị gián đoạn để nhà đầu tư bổ sung các tài liệu cần thiết.

Vào cuối tuần trước, sau đúng 1 tháng nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép của nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo đầu tiên gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ này.

Tại Công văn số 602/CHK-VT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của IPP Air Cargo (đệ trình ngày 18/1/2022) đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Nghị định số 89/2019/NĐ-CP, ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

IPP Air Cargo đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy phép thành lập ngày 10/3/2021, địa chỉ đăng ký tại Tầng 3, Tòa Opera View, số 161 - Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính của IPP Air Cargo là vận tải hàng hóa hàng không.

Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo là thành lập 1 hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

IPP Air Cargo là công ty cổ phần, bao gồm các cổ đông sáng lập là các cá nhân Việt Nam và các tổ chức 100% vốn Việt Nam, cụ thể: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương nắm 70%; Công ty TNHH Thương mại Duy Anh: 10% ; bà Lê Hồng Thủy Tiên: 10%; ông Nguyễn William Hiếu: 10%.

Cụ thể, bên cạnh văn bản xin cấp phép, hồ sơ của IPP Air Cargo bao gồm: báo cáo (kèm tài liệu chứng minh) về việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không; hợp đồng nguyên tắc, thỏa thuận về việc thuê tàu bay; bản sao Điều lệ hoạt động của IPP Air Cargo; danh sách cổ đông của IPP Air Cargo; văn bản xác nhận vốn.

“Bước đầu, IPP Air Cargo đã đáp ứng được các điều kiện về phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, về tổ chức bộ máy và về vốn quy định tại Nghị định số 89/2019/NĐ-CP”, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Tuy nhiên, tiến trình thẩm định hồ sơ của IPP Air Cargo vẫn chưa thể hoàn tất do Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu IPP Aircargo bổ sung nhiều tài liệu quan trọng.

Theo đó, nhà đầu tư này sẽ phải sớm bổ sung Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty phê duyệt dự án đầu tư, trong đó có các nội dung về mục tiêu, quy mô, tiến độ, thời gian thực hiện, phương án huy động vốn để có căn cứ xác định được tính khả thi và hiệu quả của Dự án.

IPP Air Cargo cũng sẽ phải đệ trình phương án tăng vốn để bù đắp lợi nhuận âm trong 3 năm đầu khai thác, đảm bảo đáp ứng quy định về vốn tối thiểu.

Đặc biệt, IPP Air Cargo sẽ phải gửi hồ sơ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - cổ đông nắm 70% vốn điều lệ để chứng minh Công ty cổ phần IPP Air Cargo có 100% vốn của Việt Nam, cũng như quốc tịch của các vị trí quản lý chủ chốt đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Nhà chức trách cũng khuyến cáo IPP Air Cargo sớm triển khai kế hoạch làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các công ty phục vụ mặt đất, xăng dầu… nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ hàng không khi IPP Air Cargo đưa tàu bay về Việt Nam để chuẩn bị khai thác; khẩn trương xây dựng và trình hồ sơ cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

“Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục thẩm định hồ sơ của IPP Air Cargo và báo cáo Bộ GTVT khi Công ty bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo các yêu cầu nêu trên”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Chuẩn bị sẵn sàng

Trong đề án xin cấp phép, IPP Air Cargo cho biết, mục tiêu của hãng bay này là cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Số lượng tàu bay khai thác của IPP Air Cargo trong năm đầu tiên là 5 tàu bay với hình thức thuê khô (thuê không có tổ bay) và tăng dần, đến năm thứ 5 sẽ khai thác 10 tàu bay. Chủng loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.

Lãnh đạo IPP Air Cargo cho biết, nhà đầu tư này đã xây dựng bộ máy với những con người cụ thể, có bằng cấp theo yêu cầu và có nhiều năm kinh nghiệm công tác ở các vị trí then chốt như an toàn chất lượng, an ninh, kỹ thuật, khai thác, đào tạo, mặt đất, thương mại, tài chính. IPP Air Cargo cũng đã triển khai công tác tuyển dụng đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật… nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động khai thác.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 8/2021, dù lùi thời gian gia nhập thị trường, nhưng lãnh đạo IPP Air Cargo đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Công ty được kích hoạt việc chuẩn bị thành lập hãng bay chuyên biệt nhằm tạo điều kiện cho việc đàm phán, thuê mua tàu bay.

Hiện IPP Air Cargo đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Boeing về việc đặt mua 10 tàu bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Trong đó, B777F là phiên bản chuyên chở hàng hóa và chia sẻ các tính năng với 777-200LR: khung máy bay, động cơ và dung tích nhiên liệu, với trọng tải tối đa 103.700 kg (tương tự 110.000 kg) của Boeing 747-200F, tầm bay tối đa 18.057 km hoặc 9.200 km với trọng tải kết cấu tối đa.

“Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Việc IPP Air Cargo đẩy nhanh tiến độ gia nhập thị trường hàng không vận tải hàng hóa đã kiến các hãng hàng không nội địa đang phải cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết, sẽ bắt tay thành lập hãng hàng không hàng hóa sau 4 năm nghiên cứu, chuẩn bị đội ngũ khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt, thay vì sử dụng đội bay hiện tại để kết hợp giữa chở khách và chở hàng.

Cần phải nói thêm rằng, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam tuy chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng khối lượng, nhưng chiếm đến 25 - 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, do đây đều hàng có giá trị cao.

Bên cạnh đó, nông sản Việt hiện đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do tính chất đặc thù của nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ, nên vận chuyển bằng đường hàng không là giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Được biết, vào đầu tháng 2/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã Công văn số 462/CHK- VTHK gửi Bộ GTVT về đánh giá lại việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho các hãng hàng không mới.

Tại công văn này, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, thị trường hàng không Việt Nam đã từng bước hồi phục, trước mắt là thị trường nội địa và tiếp theo là quốc tế, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2022 là: “sớm công bố lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch, phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30/3/2022, chậm nhất là ngày 30/4/2022”.

Cụ thể, lượng hành khách nội địa thông qua các cảng hàng không của Việt Nam trong tháng 1/2022 đã đạt 4 triệu lượt hành khách. Đặc biệt, so sánh tuần đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022 (từ ngày 1 đến ngày 7/2/2022, tương ứng với các ngày từ mùng 1 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch), lượng hành khách nội địa thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 1,722 triệu lượt hành khách, đạt xấp xỉ tuần đầu tiên năm mới CanhTý 2020 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam (1,735 triệu lượt khách).

Liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng hàng không mới, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tại Văn bản số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT nêu tại Công văn số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020. Theo đó, “việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.

“Cho đến nay, vẫn chưa có thêm hãng hàng không nào được thành lập kể từ thời điểm ban hành Văn bản 5833/VPCP-CN nêu trên. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong thời gian qua là phù hợp với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và thực tế thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam”, ông Sơn cho biết.

Tin liên quan
Tin khác