Giám định xe ô tô NK tại cảng VICT TP.HCM. Ảnh: T.H |
Bỏ trốn về Mỹ để lại món nợ 23 tỷ đồng
Trong số các doanh nghiệp nợ thuế được Cục Hải quan TP.HCM công bố lần này có nhiều doanh nghiệp có số nợ rất lớn, trong đó có cả doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điển hình như trường hợp của Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu (395/13, 395/13A Minh Phụng, phường 10, quận 11, TP.HCM).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 23/7/1997, Giám đốc và người đại diện pháp luật là ông La Huệ Kiệt, quốc tịch Mỹ. Ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này là sản xuất túi xốp, mua vỏ hạt nhựa, dịch vụ XNK ủy thác XNK. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng (từ ngày 21/7 đến 17/10/2008), Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu đăng ký mở tổng cộng 87 tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa phát sinh nợ thuế tại 5 chi cục trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM và 3 tờ khai tại Cục Hải quan Bình Dương. Hàng hóa nhập khẩu là hạt nhựa nguyên sinh có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0%, thuế GTGT là 10%, tổng số thuế GTGT của hàng hóa thuộc 87 tờ khai nêu trên gồm hơn 22,799 tỷ đồng. Theo Quyết định số 80/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính thì thời hạn nộp thuế GTGT đối với mặt hàng hạt nhựa nguyên sinh là 90 ngày. Lợi dụng chính sách này, ông La Huệ Kiệt cùng các đối tác góp vốn là người nước ngoài đã bỏ trốn về nước để lại số nợ thuế gần 23 tỷ đồng từ năm 2008.
Để thu hồi số nợ đọng nêu trên, Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn gửi cơ quan Công an TP.HCM đề nghị phối hợp truy tìm và thu hồi nợ thuế đối với Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu liên quan đến ông Giám đốc La Huệ Kiệt. Ngày 2/1/2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông giám đốc này về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan này cho biết, khi nào bắt được đối tượng sẽ liên hệ, phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM để giải quyết nợ thuế. Tuy nhiên, do La Huệ Kiệt đã “cao chạy xa bay” về nước ngay trong thời gian ân hạn thuế, nên cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được. Bộ hồ sơ nợ thuế của Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu hiện vẫn đang được 5 chi cục hải quan trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM và 1 chi cục của Cục Hải quan Bình Dương lưu giữ, với số nợ không có khả năng thu hồi trong suốt hơn 8 năm qua.
Cam kết nhưng không trả
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Phòng thuế XNK, Cục Hải quan TP.HCM, các doanh nghiệp nợ thuế công bố đợt này hầu hết là những doanh nghiệp nợ thuế trây ỳ nhiều năm nay, mặc dù Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai các giải pháp thu hồi nợ, nhưng không hiệu quả. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có số nợ lớn, như: Công ty TNHH Sản xuất Túi xốp Hoàn Cầu, nợ gần 23 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thanh Niên, nợ trên 33 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc Da nhựa Hừng Sáng, nợ gần 31 tỷ đồng; Công ty TNHH TM-DV Kỹ thuật Cơ điện Vĩnh Đinh, nợ gần 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thiên Tân, nợ gần 7 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư Tấn Hưng, nợ trên 6 tỷ đồng…
Để phối hợp thu hồi nợ hiệu quả, Cục Hải quan TP.HCM đã gửi danh sách các doanh nghiệp nợ thuế cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thuế TP.HCM để hỗ trợ phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, không cấp giấy phép giải thể doanh nghiệp, thu hồi hóa đơn và thông báo đến doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tự ý ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng kí kinh doanh…
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, trong quá trình đốc thu, có những trường hợp doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng cơ quan Hải quan lần ra được địa chỉ, số điện thoại của người đại diện pháp luật mời lên làm việc. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thiên Tân, nợ gần 7 tỷ đồng, khi làm việc với cơ quan Hải quan, giám đốc doanh nghiệp cam kết sẽ nộp thuế mỗi tháng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, doanh nghiệp này vẫn trây ỳ chưa nộp một đồng tiền thuế nào cho Nhà nước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Thanh Niên nợ trên 33 tỷ đồng tiền thuế tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 từ năm 2008. Mặc dù vẫn đang hoạt động, nhưng gần chục năm nay kể từ ngày phát sinh nợ thuế, công ty này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Trong nhiều lần làm việc với cơ quan Hải quan, Giám đốc doanh nghiệp cũng đưa ra cam kết nộp dần số thuế nợ đọng mỗi tháng từ 50-100 triệu đồng. Nhưng nộp được vài chục triệu đồng, Công ty Cổ phần Thanh Niên cũng không tiếp tục thực hiện theo cam kết, nên số nợ thuế hiện nay của công ty này đang dẫn đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, các biện pháp cưỡng chế theo quy định chỉ có hiệu quả đối với các doanh nghiệp còn đang hoạt động. Còn đối với doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh thì coi như “bó tay” vì không thể áp dụng được. Đối với những trường hợp này, biện pháp tốt nhất là chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra theo thẩm quyền, nhưng hiện nay biện pháp này cũng chưa được thực hiện tốt do công tác hỗ trợ, phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc truy đòi nợ đọng thuế chưa tích cực, chưa hiệu quả…
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, tính đến 15/5/2016, tổng nợ thuế tại đơn vị là 1.546,906 tỷ đồng (chiếm 1,5% tổng thu NSNN năm 2016; thấp hơn tỷ lệ chung của toàn ngành, tổng nợ thuế chiếm đến 2,4% tổng thu NSNN), trong đó phần lớn là số nợ thuế thuộc diện khó có khả năng thu hồi.
Cục Hải quan TP.HCM phấn đấu đến 31/12/2016, thu hồi nộp ngân sách từ 250 đến 300 tỷ đồng tiền nợ thuế và tiền chậm nộp thuế và không để nợ thuế mới phát sinh. Tiếp tục phân loại hồ sơ, đối tượng đủ điều kiện xóa nợ để tham mưu Tổng cục Hải quan xem xét xóa nợ.