Đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên cung cấp dịch vụ này. |
VNPT sẽ chọn Nokia?
Việc thử nghiệm 5G đang được các nhà mạng triển khai và theo kế hoạch, đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên cung cấp dịch vụ này. Ở thời điểm hiện tại, các nhà mạng đang “lựa dâu, tuyển rể”, chọn nhà thầu cung cấp hạ tầng mạng lưới 5G.
VNPT là nhà mạng có sự chuẩn bị cho mạng 5G từ khá sớm. Cuối năm 2018, VNPT và Nokia đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác phát triển các công nghệ mới. Theo đó, hai bên sẽ cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G và công nghệ IoT .
VNPT và Nokia còn ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT. Theo đó, VNPT và Nokia sẽ phối hợp nghiên cứu triển khai các ứng dụng giải pháp IoT cũng như các công nghệ, ứng dụng trong mạng 4G, 5G.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT sẽ tiếp tục tiên phong triển khai 5G khi các điều kiện chín muồi. Cụ thể, VNPT sẽ triển khai 5G khi đã có đầy đủ thiết bị đầu cuối thương mại rộng rãi. Phòng Lab 5G không chỉ nghiên cứu về công nghệ, mà còn nghiên cứu phát triển các dịch vụ, ứng dụng trong hệ sinh thái 5G. Bên cạnh đó, với những thành tựu đạt được trong mảng sản xuất thiết bị công nghệ viễn thông thời gian qua, VNPT đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
MobiFone hợp tác với Samsung?
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phụ trách chức vụ Tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone đặt vấn đề xin cấp phép thử nghiệm 5G lên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khá sớm, từ cuối tháng 9/2018. Sau đó, MobiFone đã nộp hồ sơ lên Bộ TT&TT xin phép thử nghiệm 5G. MobiFone đang làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để chuẩn bị cho việc thử nghiệm này. Dự kiến, đầu quý II/2019, thiết bị 5G sẽ về Việt Nam và sau đó lắp đặt thử nghiệm.
Trước đó, nhà mạng này đã ký Biên bản thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa MobiFone Global và Samsung Electronics Co.Ltd về hoạt động kỹ thuật và thương mại liên quan đến công nghệ 4G, 5G tại Việt Nam.
Mới đây nhất, Samsung cho biết, dự định đầu tư đến 22 tỷ USD vào các công nghệ mới, như 5G, AI. Samsung đang đàm phán với nhà mạng Reliance Jio để nâng cấp mạng lưới của họ lên 5G.
Nếu thực sự Samsung tham gia vào thị trường 5G, sẽ là một điều đặc biệt thú vị. “Tân binh” Samsung sẽ là trở thành một động lực cạnh tranh mới trên thị trường thiết bị viễn thông, vốn là cuộc đua tam mã giữa Huawei, Nokia, Ericsson.
Viettel sẽ tự sản xuất 5G
Trong khi đó, Viettel vẫn đang bỏ ngỏ khả năng hợp tác với các nhà cung cấp. Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel cho biết, Viettel đã rót 40 triệu USD cho phát triển chip 5G. Nhà mạng này cũng đang cân nhắc sử dụng công nghệ từ Ericsson và Nokia.
Ở một diễn biến khác, Viettel đặt mục tiêu tới năm 2020, 80% thiết bị hạ tầng mạng lõi viễn thông là sản phẩm của Viettel và hoàn thành giai đoạn I nghiên cứu thiết kế, ra được sản phẩm mẫu là chipset và trạm BTS 5G. Năm 2019 - 2020, thử nghiệm thiết bị hạ tầng viễn thông 5G, đến năm 2021 sẽ triển khai mạng viễn thông 5G tại các đô thị và đến năm 2023, sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Viettel, sản xuất thiết bị 5G là việc Viettel “phải làm”.
“Viettel đặt mục tiêu và tin tưởng sẽ làm chủ việc nghiên cứu sản xuất thành công toàn bộ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông theo xu thế công nghệ mới, trong đó sẽ làm chủ thiết bị BTS 5G trước năm 2021. Sự tin tưởng này của Viettel xuất phát từ năng lực và kinh nghiệm tích lũy của Tập đoàn”, ông Chiến cho biết.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, việc chọn lựa nhà thầu cung cấp mạng 5G vẫn còn bỏ ngỏ. Quyết định đó phụ thuộc rất lớn vào quá trình thử nghiệm 5G đang được triển khai. Cùng với đó là các yếu tố về ưu thế công nghệ, giá thành, an toàn bảo mật, cam kết khác… Một cuộc đua ngầm giành ưu thế trong đàm phán thiết bị 5G đang cuộn trào.
Các nước ASEAN đang có cơ hội bứt phá bằng công nghệ 5G
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các nước ASEAN đang có cơ hội bứt phá bằng công nghệ 5G. Nhưng để nắm bắt thời cơ phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận.
Một sự tiếp cận được khuyến nghị cho 5G là cách tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G tại các thành phố lớn, các trung tâm thành phố và khi đó, 4G vẫn là mạng chính. Đây chính là ứng dụng nâng cao chất lượng di động băng rộng của 5G - Enhanced Mobile Broadband. Pha tiếp theo sẽ là ứng dụng IoT diện rộng - Massive IoT và ứng dụng IoT với tính năng độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Và cuối cùng sẽ là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực.