Tăng chậm trong năm qua
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) trong cả năm 2022 ước chỉ đạt 6 - 7%, so với mức bình quân 14%/năm cho giai đoạn 2012- 2021.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 21/12/2022 tăng 3,85% so với cuối năm 2021. Con số trên thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2021 (8,31%). Tuy nhiên, cung tiền đã cải thiện đáng kể so với cuối quý III/2022.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, cung tiền trong năm 2022 tăng trưởng thấp bởi nhiều lý do.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát, có lúc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ, sau đó lại hút tiền về. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các kênh dẫn vốn khác bị tắc, nên doanh nghiệp bị thiếu vốn và do lạm phát toàn cầu, chi phí đầu vào tăng nhanh cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn để bù đắp phần tăng thêm. Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chỉ ở mức 14 - 15%, những kênh dẫn vốn khác bị ách tắc.
Đáng chú ý, giải ngân đầu tư công còn chậm, dẫn tới việc ách tắc vốn. Doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau khá nhiều, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và thi công xây lắp.
Thêm vào đó, vòng quay tiền trong năm vừa qua bị chậm lại, do tồn kho bất động sản và các lĩnh vực khác khiến tiền bị đọng lại. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bị mất niềm tin, nên họ lưỡng lự và có xu hướng găm tiền.
Tình hình sẽ cải thiện trong năm nay
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2023, nếu như các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế được tháo gỡ, đặc biệt là đầu tư công được đẩy mạnh, thì niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp được khôi phục trở lại, dẫn đến vòng quay tiền nhanh hơn và lượng cung tiền sẽ nhiều hơn. Người dân cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn đến cuối tháng 12/2022 tăng khoảng 6%. Mức huy động cao hơn những tháng cuối năm cho thấy, dòng tiền gửi tiết kiệm đã quay trở lại hệ thống. Sau khi lãi suất huy động tăng mạnh, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng cũng có diễn biến tích cực. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6% của huy động vốn cả năm 2022 vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước.
Năm 2023, KBSV dự báo tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022, song sẽ chịu những tác động trái chiều.
Trong đó, tác động tích cực là Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để nới lỏng chính sách hơn trong năm 2023 khi áp lực tỷ giá và lạm phát được dự báo bớt căng thẳng, các đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý I/2023.
Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và hỗ trợ thanh khoản hệ thống, kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động cũng như cải thiện tăng trưởng cung tiền. Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được dự báo đạt trên 80% kế hoạch, so với mức 75% của năm 2022, nên hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế.
Ngược lại, tác động tiêu cực đến cung tiền có thể kể đến như nhu cầu vay vốn mới của các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo suy giảm do mặt bằng lãi suất ở mức cao, trong khi điều kiện kinh doanh dự báo kém thuận lợi hơn trong năm 2023. Thanh khoản hệ thống dù được dự báo bớt căng thẳng, nhưng khó có thể sớm quay trở về mức ổn định. Rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đáng chú ý, khi áp lực đáo hạn vào năm 2023 là rất lớn, nên một lượng tín dụng đáng kể sẽ được sử dụng để phục vụ mục đích tất toán trái phiếu doanh nghiệp, khiến nguồn cung tín dụng thực tế bị thu hẹp...
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc WiGroup cho rằng, năm 2023 sẽ là năm bắt đầu chu kỳ thanh khoản mở rộng. Theo đó, mọi thứ dễ thở hơn, cũng có thể gọi là ánh sáng cuối đường hầm khi khó khăn về tiền đi qua. Bên cạnh đó, tín dụng năm 2023 được dự báo tăng chậm hơn năm 2022, trong khi huy động vốn được kỳ vọng tích cực hơn và tăng trưởng cung tiền sẽ phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện.