Doanh nghiệp
Cuộc chiến giữa những lon nước giải khát
Phương Trang - 17/11/2014 13:47
Doanh nghiệp Việt dám mạnh tay đầu tư để đối đầu với những ông lớn như Coca Cola và Pepsi trong lĩnh vực sản xuất nước ngọt có gas. Đó là ai?
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nước ngọt có gas: Lo uống nhiều nên đánh thuế
Coca-Cola khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam
Nước giải khát có gas chịu thuế như rượu, bia, mát xa?
Tân Hiệp Phát khởi công Nhà máy Number One Hậu Giang
Coca-Cola khánh thành dây chuyền mới tại Đà Nẵng
   
  Hoà Bình ký kết vay vốn của Agribank cho nhà máy nước ngọt  

Thị trường nước giải khát vốn đã cạnh tranh khốc liệt lại tiếp tục đón nhận tân binh vào cuối năm nay khi Công ty TNHH Hoà Bình chính thức vận hành nhà máy sản xuất bia và nước ngọt tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất malt cung cấp cho các nhà máy bia và đầu tư bất động sản với dự án gây tiếng vang thời gian qua là tổ hợp chung cư dát vàng Hoà Bình Green City, Hoà Bình đã có quyết định bất ngờ khi nhảy vào lĩnh vực sản xuất nước giải khát. Đầu năm nay, Hoà Bình đã mua lại Nhà máy bia Á Châu và sẽ nâng cấp dây chuyền để đạt công suất 20 triệu lít bia/năm trong năm tới. Nhưng không dừng lại ở sản xuất bia, doanh nghiệp này đã xây dựng và mở rộng nhà xưởng với tốc độ thần tốc, đồng thời, âm thầm đàm phán với đối tác Đức để nhập dây chuyền sản xuất nước ngọt.

Tại lễ ký kết mới đây để vay 327 tỷ đồng từ Agribank- Chi nhánh Bắc Ninh để mua dây chuyền sản xuất, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, tiết lộ, ngoài sản xuất bia thì nhà máy còn được thiết kế để sản xuất nước ngọt có gas và không có gas với tổng công suất 150 triệu lít nước ngọt và 100 triệu lít nước tinh khiết/năm. Dự kiến, đến cuối tháng 12/2014, nhà máy sẽ chính thức xuất xưởng những lon nước giải khát đầu tiên.

Như vậy, Hoà Bình sẽ chính thức tham gia vào thị trường nước giải khát vốn đã chật chội với hàng chục nhãn hiệu của khoảng 135 doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản đầu tư của Hoà Bình dường như hợp lý trong bối cảnh thị trường nước giải khát Việt Nam vẫn tăng trưởng nóng ở mức 19,35%/năm trong giai đoạn 2009-2013 bất chấp khủng hoảng kinh tế kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành kinh tế. Mặc dù ngành nước giải khát đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng nhưng theo dự báo của tổ chức BMI, tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới sẽ vẫn đạt trunh bình 14,2%/năm tính theo doanh thu và 7%/năm tính theo doanh số.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietinbank, Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15-40 tuổi chiếm gần một nửa, một độ tuổi được cho là có nhu cầu cao nhất về nước giải khát. Hơn nữa, tốc độ gia tăng dịch vụ thức ăn nhanh tại Việt Nam đang đạt ngưỡng 10%/năm, kéo theo nhu cầu nước giải khát không cồn, đặc biệt là nước giải khát có gas.  

Sức hấp dẫn của ngành này đã kích thích các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư. Không chỉ có Hoà Bình, mà các ông lớn trong lĩnh vực này như Tân Hiệp Phát, Coca Cola, Pepsi liên tục mở rộng đầu tư. Pepsi đã đầu tư gần 120 triệu USD xây dựng thêm các nhà máy mới ở Đồng Nai và Bắc Ninh, còn Tân Hiệp Phát cũng vừa đưa vào hoạt động giai đoạn đầu của nhà máy tại Hà Nam và đang xây tiếp một nhà máy nữa tại Quảng Nam.

Mặc dù quyết định đầu tư của Hoà Bình vào lĩnh vực nước giải khát có thể lý giải được trong bối cảnh thị trường đang tăng trưởng mạnh, nhưng điều ngạc nhiên là đây là doanh nghiệp trong nước đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước ngọt có gas, một “lãnh địa riêng” của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, thị trường nước ngọt có gas hoàn toàn do hai ông lớn là Coca Cola và Pepsi làm chủ. Đến ngay như Tân Hiệp Phát, một doanh nghiệp danh tiếng và chiếm thị phần lớn của thị trường nước giải khát cũng chỉ thành công với dòng nước không gas. Hơn chục năm trước, một doanh nghiệp trong nước khác là Tribeco đã mon men đầu tư sản xuất nước giải khát có gas, nhưng không thể cạnh tranh nổi với đối thủ ngoại, nên rút lui và nhường sân chơi hoàn toàn cho Coca Cola và Pepsi.

Nhưng ông Đường tỏ ra rất tự tin khi chuẩn bị đối đầu trực tiếp với Coca Cola và Pepsi. Doanh nhân này khẳng định, với thiết bị sản xuất hiện đại và mới nhất thế giới của năm 2014 được nhập từ hãng Krones (Đức) tự động hoá hoàn toàn từ đầu vào đến thành phẩm, nguồn hương liệu nhập khẩu, sản phẩm nước ngọt có gas mang thương hiệu V+ của Hoà Bình sẽ có chất lượng không thua kém gì các thương hiệu ngoại.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này sẽ sử dụng“vũ khí” mà các doanh nghiệp ngoại từng sử dụng để triệt hạ Tribeco hơn chục năm trước, để đối đầu trực tiếp với Coca Cola và Pepsi. Đó chí là giá bán. Theo ông Đường, mặc dù được đầu tư lớn cho dây chuyền hiện đại, nhưng giá bán của V+ dự kiến sẽ thấp hơn 1/3 so với các đối thủ. “Nếu một lon nước ngoại có giá 7.000 đồng mà họ vẫn kêu lỗ thì chúng tôi sẽ bán với giá 4.500-5.000 đồng nhưng vẫn có lãi,” ông Đường khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác