Cuộc thử lửa, theo cách gọi của ông Thăng, chính là việc phải đối mặt trực tiếp của Rạng Đông, một công ty hoạt động trong lĩnh vực không phải thế mạnh của Việt Nam, với những đối thủ mạnh hơn về nhiều mặt đến từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở cửa vào cuối năm 2015, cũng như các quốc gia mà Việt Nam đang ký kết hiệp định thương mại tự do.
Trong lộ trình mở cửa này, không giống như dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản… có cơ hội tốt hơn để thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, các mặt hàng mà Rạng Đông đang sản xuất sẽ không còn được bảo hộ từ hàng rào thuế nhập khẩu.
Thực chất, đây không phải lần đầu Rạng Đông phải đối mặt với cuộc thử lửa mang tính sống còn. Cuộc thử lửa đầu tiên diễn ra cách đây gần 30 năm, vào những năm cuối thập kỷ 80, khi nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới. Khi đó, Rạng Đông có thời điểm phải đóng cửa liên tục 6 tháng, 1.600 công nhân phải tạm nghỉ việc. “Rạng Đông đã tiến hành một cuộc đại cải tổ và đến năm 1991, Công ty đã bắt đầu có lãi trở lại, sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường”, ông Thăng cho biết.
Nhận định về bối cảnh của Công ty thời điểm hiện tại, lãnh đạo Rạng Đông cho rằng, thách thức hiện tại lớn hơn nhiều gần 30 năm trước. Bởi lẽ, trong cuộc cạnh tranh sắp tới, các đối thủ tầm cỡ khu vực và quốc tế mà Rạng Đông đối mặt đều vượt trội về vốn liếng, trình độ quản trị, khoa học công nghệ… Song hành với sự cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, một áp lực nữa với Công ty tại thời điểm hiện tại là các sản phẩm truyền thống như đèn compact, huỳnh quanh, đèn tròn… đang dần bị thu hẹp thị trường, nhường chỗ cho sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao như đèn LED và điện tử.
Để chuẩn bị cho cuộc thử lửa mới này, Rạng Đông đang căng sức chuẩn bị cho một cuộc đại cải tổ lần thứ hai.
Trong kế hoạch của Rạng Đông, để tăng sức cạnh tranh, công ty này đang tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học để cải tiến sản phẩm. Theo đó, hàng năm, khoảng 1 – 1,5% doanh thu sẽ được trích ra để đầu tư nâng cao trình độ khoa học – công nghệ.
Theo kế hoạch sản xuất -kinh doanh năm 2015, Rạng Đông dự kiến doanh thu 2.678 tỷ đồng, bằng 103% thực hiện năm 2014. Lợi nhuận trước thuế tối thiểu 80 tỷ đồng, phấn đấu 95 tỷ đồng, bằng 107% thực hiện năm 2014.
Trước đó, trong năm 2014, Rạng Đông đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng, tăng 10,4% so với kế hoạch và tăng 13,18% so với năm 2013. Lợi nhuận năm 2014 đạt 88,8 tỷ đồng, bằng 76,28% so với kết quả 116,4 tỷ đồng thực hiện năm 2013.
Theo đó, với mức doanh thu khoảng hơn 2.600 tỷ đồng/năm, số tiền dành cho việc đầu tư vào khoa học – công nghệ mỗi năm sẽ vào khoảng 26 – 40 tỷ đồng.
Về chiến lược cụ thể, ngoài việc đầu tư cải tiến làm mới các sản phẩm truyền thống, Rạng Đông đang tăng cường đầu tư phát triển các sản phẩm LED và điện tử. Trong giai đoạn từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2015, sản lượng LED tiêu thụ được là 3,5 triệu sản phẩm, tăng 5,2 lần so với cả năm 2013. Doanh số đèn LED của Rạng Đông là 261 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với 2013.
Ngoài ra, Rạng Đông cũng tính đến bài toán hướng ra xuất khẩu để lấy doanh số xuất khẩu bù đắp cho khả năng có thể phải phân chia thị phần tại thị trường nội địa cho nhiều đại gia nước ngoài. Trong năm 2014, doanh thu xuất khẩu của Công ty này đã tăng mạnh tới 45,7% so với năm 2013.