Đáng chú ý, trong số này có một người đàn ông 59 tuổi ở quận Hà Đông nhập viện trong tình trạng bị sốt cao. Một ngày sau khi sốt 39-40 độ C, mệt mỏi, nửa bên phải cơ thể bị yếu, bệnh nhân đến Bệnh viện Quân đội 103 khám với tình trạng tỉnh táo, nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. |
Kết quả chụp cắt lớp vi tính phát hiện nhồi máu não, còn kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).
Thống kê của ngành y tế cho thấy, bệnh liên cầu khuẩn lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường gia tăng vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch bởi trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, năm 2022, Bệnh viện ghi nhận rải rác các ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chủ yếu là thể viêm màng não.
Bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau, đến từ các tỉnh miền Bắc. Bệnh nhân đến viện với biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, buồn nôn, nặng hơn nữa thì lơ mơ, hôn mê.
Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết, có nơi còn có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn.
Bác sĩ Cấp cho biết mọi người thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh.
Tuy nhiên, bất kể giống lợn được chăn nuôi trong điều kiện nào, thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn lợn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm 60-100%.
Với liên cầu khuẩn, thời gian ủ bệnh có thể vài giờ đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Dấu hiệu là sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
Trường hợp nặng có thể sốc nhiễm độc, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.
Bệnh này điều trị bằng thuốc kháng sinh, thời gian điều trị kéo dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%. Bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).
Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn như: Sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.