Ảnh minh hoạ |
Chính quyền địa phương cảnh báo
Những tháng cuối năm, các địa phương liên tục đưa ra cảnh báo về giao dịch đất nền. Điển hình như tại Đồng Nai, UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo các đơn vị chức năng cắm biển khuyến cáo người dân không mua bán, chuyển nhượng đất nền tại các khu vực mà cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa được kiểm tra nghiệm thu.
Còn tại TP.HCM, UBND quận 12, TP.HCM đã phát đi thông báo kêu gọi người dân cảnh giác trước việc một nhóm đối tượng đứng ra rao bán đất nền trái phép mang tên dự án “Royal Gold Land” tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12. UBND quận 12 khẳng định, khu đất được rao bán là khu đất thuộc quy hoạch đất cây xanh chứ không phê duyệt hoặc thoả thuận bất kỳ dự án nào thuộc khu vực này.
Tương tự tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), khi thông tin về đặc khu kinh tế được hé lộ, cũng là lúc giá đất bắt đầu nhảy múa, nhất là vào những tháng cuối năm. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải liên tục ra các chỉ đạo cấp bách để quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn.
“Hiện nay, Vân Đồn đang có hiện tượng sốt đất ảo và xuất hiện hiện tượng mua bán ngầm. Vì vậy, các cấp chính quyền Vân Đồn phải thực hiện nghiêm túc quản lý đất đai, nhất là đất rừng chuyển giao, đất hộ gia đình”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Nguy cơ… “mất không”
Tại Hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam 2017 - 2018: Toàn cảnh và dự báo” tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - tài chính đã cảnh báo: “Thị trường đất nền diễn biến thời gian qua quá nóng và quá ảo. Dù đất nền có khả năng sinh lời cao nhưng đi kèm là rủi ro lớn.
Các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng. Đặc biệt, với các khu vực đang được xem xét để trở thành các đặc khu kinh tế, nhà đầu tư cần tính đến cả các rủi ro về mặt pháp lý, nhất là với các khu đất còn phụ thuộc nhiều vào quy hoạch, chính sách”.
Về phía doanh nghiệp, một đại diện nhận định, khác với các phân khúc khác, đất nền là sản phẩm nguội đi đầu tiên và nóng lên cuối cùng của thị trường bất động sản. Suy cho cùng, đất nền là công cụ đầu tư nhưng lại là đơn vị giao dịch mang tính ước lệ nhiều nhất.
“Có thể coi đất nền là sản phẩm phái sinh của thị trường bất động sản. Không giống như nhà xây hay chung cư, đầu tư đất nền chủ yếu là lướt sóng để kiếm lời trong thời gian ngắn”, vị này so sánh và cho biết, đất nền thanh khoản nhanh và sẽ tăng giá cùng cơ sở hạ tầng, theo sự lan tỏa của các khu đô thị mới theo kiểu vết dầu loang. Tuy nhiên, để thành công, nhà đầu tư phải đọc được diễn biến thị trường để biết khi nào nên mua vào, lúc nào cần bán ra. Điều này là rất khó, bởi phần lớn nhà đầu tư chỉ nhận ra đáy và đỉnh của giá đất khi sự đã rồi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến cáo các nhà đầu tư không nên tham gia đầu tư vào những sản phẩm không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nhìn nhận việc giá đất tăng cao đột biến tại một số địa phương thời gian qua, điển hình như Vân Đồn, chúng tôi nhận định đây là tăng giá ảo. Rủi ro từ những sản phẩm bất động sản chưa đủ pháp lý là cực cao”.
Cũng theo ông Đính, thông thường, giá trị bất động sản thường tăng đồng thời với quá trình đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, tại Vân Đồn, giá đất đã tăng mạnh khi có thông tin huyện đảo này được quy hoạch là đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, để Vân Đồn thành đặc khu kinh tế còn rất nhiều việc phải làm như quy hoạch đất đai, đô thị, hạ tầng, giao thông.
Chỉ khi các công việc này được tiến hành thì mới tạo ra giá trị thực cho đất, chứ như hiện nay, chưa hề có quy hoạch cụ thể, các nhà đầu tư đã vội vã giao dịch với mức giá tăng đến hàng vài chục lần thì chỉ là hành động bỏ tiền ra mua lấy các giá trị ảo.
“Không chỉ bỏ tiền thật để sở hữu giá trị ảo, các nhà đầu tư còn có nguy cơ mất trắng tài sản khi mua các sản phẩm bất động sản mà chưa nắm được quy hoạch”, ông Đính cảnh báo.