Ảnh: Đức Thanh |
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án chiều qua (6/8), Bộ trưởng Thăng đã cử Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban quản lý dự án đường sắt, TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan sang làm việc với Lãnh đạo Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chốt lại tiến độ ngày 30/6/2016 đưa đoàn tàu vào khai thác thương mại; đồng thời kiểm tra việc chuẩn bị đoàn tàu mẫu trước khi đưa về Việt Nam.
“Phải lập lại tiến độ, giải quyết các điểm găng để hoàn thành dự án, không thể để nguy cơ tai nạn treo lơ lửng trên đầu người đi đường”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.
Theo ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, đến nay, khối lượng hoàn thành Dự án đạt khoảng 58%. Công tác giải ngân đạt 50%, trong đó xây lắp đạt 42% và giải phóng mặt bằng đạt 80%.
Về tiến độ thi công cụ thể, ông Lê Kim Thành cho biết đã hoàn thành 413/419 (đạt 99%) trụ khu gian, 112/112 (đạt 100%) trụ nhà ga; đang triển khai thi công 12/12 nhà ga; hoàn thành 420/420 cọc khoan nhồi, đang đào và đổ bê tông bịt đáy đơn nguyên giữa nhà ga Cát Linh; đúc được 554/806 (đạt 69%) và lao lắp được 442/806 (đạt 55%) phiến dầm; hoàn thành công tác xử lý nền đất yếu bằng phương án hút chân không, thi công được 331/1216 (đạt 27%) cọc PCC trong xử lý nền đất yếu phạm vi đường ra vào, đắp được 130.000m3 cát san nền khu Depot. Hoàn thành hạng mục cầu đúc hẫng vượt sông Nhuệ và đường tránh QL6.
Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng thầu EPC lập lại tiến độ tổng thể và chi tiết điều chỉnh, trong đó lao lắp xong 806 phiến dầm trước ngày 31/1/2016; hoàn thành cơ bản 10 nhà ga trước ngày 31/12/2015, 2 ga (ga Cát Linh và ga Vành đai 3) xong trước 31/3/2016, riêng ga mẫu La Khê xong trước 15/10/2015.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý vay bổ sung vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc cho tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Cơ chế tài chính đối với khoản vay trị giá 250,62 triệu USD cho công trình đường sắt đô thị sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc này vẫn sẽ bám theo nguyên tắc đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2010.
Cụ thể, đối với phần kết cấu hạ tầng đường sắt của Dự án áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát vốn vay nước ngoài; đối với các hạng mục liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải sẽ áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài.
Cho đến cuối tháng 6/2015, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) vẫn xác nhận, nhu cầu vốn đối ứng cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khoảng 4.134 tỷ đồng (tương đương 198,4 triệu USD).
Như vậy, để hoàn thành 13,05 km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được 100.000 lượt khách/ngày đêm sẽ cần khoảng 868,04 triệu USD.
So với phương án đề xuất vào tháng 1/2014, tổng mức đầu tư sắp được điều chỉnh mặc dù tiết kiệm được khoảng 24 triệu USD, nhưng vẫn phát sinh thêm 315 triệu USD, trong đó phần vốn vay ODA Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam (chủ yếu dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án…) cần thêm 64,56 triệu USD, tương đương 2.011 tỷ đồng.