Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 10/2014 đến nay đã có 63 thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hoá, chiếm 28% tổng số thủ tục hành chính của toàn ngành.
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Theo đó, có 17 thủ tục hành chính được bãi bỏ, trong đó có 1 thủ tục hành chính chính cấp Tổng cục và 16 thủ tục hành chính cấp chi cục, có 46 thủ tục hành chính được đơn giản hoá với 5 thủ tục hành chính cấp Tổng cục và 41 thủ tục hành chính cấp chi cục.
Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 34/34 cục hải quan và 171/171 chi cục hải quan trên phạm vi toàn quốc. Từ đó giảm thời gian đăng ký tờ khai hải quan chỉ còn 3 giây; thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp (doanh nghiệp) đăng ký tờ khai đến khi thông quan hay giải phóng hàng đối với hàng nhập khẩu chỉ còn 34 giờ 32 phút 14 giây, so với năm 2013 (42 giờ 7 phút và 40 giây), khoảng thời gian này đã giảm 7,8 giờ tương đương với 18,5%. Thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan đối với hàng xuất khẩu chỉ còn 6 giờ 58 phút 55 giây.
Bên cạnh đó, ngành hải quan đã tiến hành thanh toán thuế điện tử tại 34/34 cục hải quan tỉnh, thành phố; tiếp nhận thông tin thu từ 23 ngân hàng thương mại để ký thoả thuận phối hợp thu với tần suất online 15 phút/lần; tự động hạch toán kế toán, thanh toán khoản nợ, thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với số thu chiếm 63% số thu của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, để thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu tại các cảng biển lớn trên cả nước, ngành hải quan đã triển khai tiếp nhận điện tử bản lược khai hàng hoá và các chứng từ có liên quan đến phương tiện vận tải biển xuất nhập cảnh (E-manifest) tại 9 cục Hải quan gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Ninh. Hiện trên 90% các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận đã tham gia thực hiện E-manifest.
Đặc biệt, cải cách thủ tục hải quan thể hiện sự đột phá thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Đối với cơ chế một cửa quốc gia, đã triển khai tại 5 cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, hướng tới mở rộng triển khai thủ tục đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh quá cảnh tại tất cả các cảng biển, cảng đường sông quốc tế cho toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics và thay thế các thủ tục thủ công bằng thủ tục thực hiện trên phương thức điện tử, hồ sơ điện tử.
Tính đến tháng 10/2015, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối để thực hiện thủ tục hành chính của 9 bộ bao gồm Bộ
Tài chính (thủ tục thông quan hàng hoá); Bộ Công Thương (3 thủ tục); Bộ Giao thông vận tải (7 thủ tục); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (3 thủ tục); Bộ Tài nguyên và Môi trường (1 thủ tục); Bộ Y tế (1 thủ tục); Bộ Khoa học và Công nghệ (1 thủ tục); Bộ Thông tin và Truyền thông (1 thủ tục); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (1 thủ tục).
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, bước đầu cơ chế một cửa quốc gia đã rút ngắn được khoảng từ 20-30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giảm thời gian cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính.
Riêng đối với thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 17/8/2015 đến tháng 10/2015, Việt Nam đã lần lượt kết nối kỹ thuật và trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D với cơ chế một cửa quốc gia của các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Hiện nay, Việt Nam và các nước trên đang hoàn tất kỹ thuật để sẵn sàng kết nối vào cuối tháng 12/2015.