Nói vậy là bởi, mô hình đặc khu hành chính, kinh tế đã được đưa vào Hiến pháp nước XHXHCN Việt Nam và cũng đã được Quốc hội cụ thể hóa trong công tác xây dựng luật cho mô hình này.
| ||
Việt Nam đang có cơ hội to lớn để hình thành các đặc khu hành chính, kinh tế, nhằm phát triển các khu vực kinh tế năng động nhất, tự do nhất |
Thực tế cho thấy, kể từ sau khi Đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập năm 1979, sau đó giải thể vào năm 1991 để thiết lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì Việt Nam chưa xây dựng được một đặc khu hành chính, kinh tế nào. Gần đây nhất, mới chỉ có Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được đề xuất và có chủ trương cho phép đầu tư, phát triển thành các đặc khu.
Trong khi đó, trong khu vực và trên thế giới, mô hình này đã phát triển khá mạnh mẽ, với các điển hình ở Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (UAE)…, góp phần thu hút hàng ngàn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Nghĩa là, trên một khía cạnh nào đó, Việt Nam đã tương đối chậm chân so với các quốc gia trong khu vực trong việc hình thành các đặc khu hành chính, kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng trở nên gay gắt hơn, việc thành lập các đặc khu, với thể chế, chính sách vượt trội, là cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa với thu hút đầu tư, mà hơn hết là tạo các vùng kinh tế động lực để phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.
Chủ trương đã có và đã được “chắp cánh” bằng Hiến pháp, và tới đây sẽ được cụ thể hóa bằng Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, mà Quốc hội đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng.
Đặc khu hành chính, kinh tế là một mô hình quá mới mẻ ở Việt Nam, mà nói như bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, là quá trình xây dựng Đề án Phát triển Đặc khu Vân Đồn như là “dò đá sang sông”. Bởi thế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã từng thành công trong phát triển mô hình này là cần thiết.
Nhưng quan trọng hơn cả là làm sao xác định, lựa chọn địa phương, khu vực có điều kiện để phát triển đặc khu. Các tiêu chí cụ thể để xác định đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
Và tất nhiên, sớm xây dựng Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt để điều chỉnh hoạt động của các đặc khu, trong đó, quy định rõ mô hình tổ chức, cũng như những chính sách kinh tế ưu đãi để phát triển đặc khu đó. Đồng thời, xác định rõ định hướng ưu tiên phát triển các đặc khu, xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển phù hợp để phát triển.
Cần thiết phải xây dựng các đặc khu và đúng là đã chậm so với nhiều quốc gia lân cận, nhưng một cách làm cẩn trọng, hợp lý bao giờ cũng là cần thiết. Tránh phát triển đặc khu một cách tràn lan, làm sao để vừa triển khai vừa học hỏi rút kinh nghiệm, hoàn thiện, kết hợp đánh giá hiệu quả các đặc khu kinh tế đã xây dựng để phát triển và triển khai rộng hơn mô hình này trong tương lai.
Nguyên Đức