Quyết định nhanh và chính xác
Nhận xét về động thái tăng biên độ điều chỉnh tỷ giá của NHNN, đa phần các chuyên gia tài chính đều nhận định, đây là quyết định rất nhanh nhạy và chính xác. Việc đồng nhân dân tệ mất giá mạnh chỉ trong 2 ngày 11 và 12/8 không chỉ làm giảm xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, làm trầm trọng hơn tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam, mà còn khiến hàng hóa Việt Nam “thua” Trung Quốc và nhiều nước khác trong cạnh tranh xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong lúc đồng nhân dân tệ biến động mạnh, việc tung ngoại tệ can thiệp bình ổn tỷ giá sẽ rất tốn kém, mà không hiệu quả. Do đó, việc mở rộng biên độ tỷ giá cho phép tỷ giá tăng nhanh hơn là quyết định chính xác của NHNN. Động thái của Trung Quốc báo hiệu cuộc chiến tiền tệ ở châu Á chính thức bắt đầu và việc tăng biên độ điều chỉnh tỷ giá của NHNN chính là chiêu “thuận tay dắt dê”.
Đồng nội tệ sẽ đắt hơn các nước, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu sẽ giảm nếu Việt Nam không kịp thời điều chỉnh tỷ giá tiền Việt. Ảnh: Chí Cường |
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, ngày 11/8, hàng loạt quốc gia đối thủ xuất khẩu của Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Philippines, Hàn Quốc... cũng đã giảm giá đồng nội tệ. Nếu Việt Nam không phá giá tiền đồng thì sẽ làm đồng nội tệ đắt đỏ so với các nước, giảm lợi thế cạnh tranh.
Một lý do nữa khiến NHNN phải nới biên độ điều chỉnh tỷ giá là ngăn nhập siêu trầm trọng thêm. Vì nếu nhập siêu tăng mạnh, tỷ giá sẽ lại bị dội áp lực.
Tuy ủng hộ phương án nới rộng biên độ điều chỉnh tỷ giá của NHNN, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là ly nước để tạm thời làm dịu cơn khát. Từ nay đến cuối năm, áp lực với tỷ giá tại nước ta còn rất lớn, nhất là nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhiều quốc gia khác tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
Doanh nghiệp ngồi trên lửa
Theo cam kết của NHNN, năm 2015 chỉ điều chỉnh tỷ giá tối đa 2% và room điều chỉnh đã hết. Việc NHNN nới rộng biên độ điều chỉnh tỷ giá lên +/-2% có thể được coi là một hình thức tăng tỷ giá. Trong bối cảnh hiện nay, sự linh hoạt của NHNN được thị trường ủng hộ, nhưng vấn đề đặt ra là từ nay đến cuối năm, khả năng ổn định tỷ giá sẽ ra sao?
Với quỹ dự trữ ngoại hối khoảng 40 tỷ USD (kể cả vàng) và nhiều công cụ hành chính, NHNN có đủ sức để can thiệp thị trường. Song các chuyên gia cho rằng, con số này không phải là lớn và mức can thiệp tối đa chỉ nên khoảng 5 tỷ USD. Việc sử dụng các biện pháp hành chính, tuy có hiệu quả, song lại phi thị trường. Do đó, NHNN cần cân nhắc biến động của các đồng tiền trên thế giới để tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp, nhằm hỗ trợ xuất khẩu, giảm nhập siêu.
Hiện nay, rất nhiều mặt hàng nông sản nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như sắn, thanh long, gạo, cao su, hạt điều… Ông Phan Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) cho hay, đồng nhân dân tệ giảm giá tác động lớn đến xuất khẩu sắn sang Trung Quốc của Sepon Group, vì sẽ khiến giá trở nên đắt đỏ. “Hiện chúng tôi chưa biết tính thế nào, có lẽ sẽ đàm phán với nông dân giảm một chút giá nguyên liệu thu mua, đồng thời đàm phán với đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc để hai bên cùng chia sẻ thiệt thòi”, ông Sinh nói.
Tương tự, một doanh nghiệp cao su cũng bày tỏ lo lắng rằng, trong bối cảnh xuất khẩu cao su đang gặp khó khăn, khi đồng nhân dân tệ mất giá, giá cao su Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cao, chắc chắn các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ quay lại ép doanh nghiệp trong nước giảm giá thêm.
Với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường thanh toán bằng USD, dù từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng 2%, song họ cho rằng vẫn còn thấp. Tỷ giá là một trong những lý do chính khiến xuất khẩu nông sản của nước ta sụt giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm nay. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, NHNN cần phải xem xét khả năng tăng thêm tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.