TIN LIÊN QUAN | |
Da giày trước cơ hội vàng từ các hiệp định thương mại | |
Túi xách Việt Nam nhận nhiều đơn hàng lớn | |
Xuất khẩu da giày tăng mạnh đơn hàng | |
Dệt may, da giày: Bấm nút nhiều dự án lớn |
Kết thúc năm 2014, ngành da giày, túi xách về đích với doanh thu xuất khẩu hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 19% so với 2013, trong đó, túi xách, ô dù đạt hơn 2 tỷ USD. Bám sát tốc độ tăng trưởng của 2013-2014, ngành da giày tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu 13,5-14 tỷ USD trong năm 2015.
Lợi thế của ngành giày dép Việt Nam tại thời điểm này đang được thể hiện rõ. Ảnh: Đức Thanh |
Trao đổi phóng viên Báo Đầu tư, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong năm 2013 - 2014, các nhà sản xuất giày dép lớn của thế giới như Timberland, Nike, Adidas và Puma … đã chuyển dịch một lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh vào Việt Nam.
Thực tế này khiến cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp hối hả hơn, với lượng đơn đặt hàng dồi dào và cho phép nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn lựa chọn các đơn hàng có giá trị.
Nếu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày là hơn 10 tỷ USD, thì năm 2014, kim ngạch của ngành đã tiến đến mốc 12 tỷ USD.
“Ngành da giày đang đứng trước cơ hội lớn có để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu do xuất phát từ năng lực cạnh tranh, quy mô sản xuất ngày càng được củng cố và những cơ hội đang tiếp tục mở ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, bà Xuân nhấn mạnh.
Khi Việt Nam tham gia vào TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 – 57,4% để hưởng ưu đãi đối với các sản phẩm da giày về mức 0%, giúp doanh nghiệp chú trọng xuất khẩu có động lực mở rộng sản xuất và sản phẩm cạnh tranh tốt hơn.
Thống kê sơ bộ của Lefaso cho thấy, hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất của Mỹ là Nike có 3 quốc gia sản xuất chính, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, tuy nhiên, lượng giày sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 42% sản lượng của Hãng, trong khi số giày xuất xứ từ Trung Quốc chỉ là 32% và 25% có nguồn gốc từ Indonesia.
Trong tổng số gần 550 doanh nghiệp da giày, đang có khoảng 80-90 nhà máy tại Việt Nam gia công cho các thương hiệu Adidas, Nike và 90% trong số này là các công ty Hàn Quốc, Đài Loan...
Điển hình như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, thuộc Tập đoàn Quốc tế Đài Loan là một trong những doanh nghiệp da giày lớn nhất tại TP.HCM với số lượng công nhân gần 80.000 người, hiện đang gia công cho các nhãn hiệu nổi tiếng như Adias, Reebook… chiếm 20% thị phần toàn thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày, túi xách tăng trưởng mạnh trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo thống kê của Tập đoàn Wolverine Worldwide (Mỹ), nếu như năm 2007 thị phần nhập khẩu các sản phẩm da giày từ Trung Quốc vào Mỹ thông qua Tập đoàn Wolverine Worldwide chiếm 87%, còn Việt Nam chỉ chiếm 10%, thì đến nay thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống còn 75% và của Việt Nam là 14,5%.
Quy mô của ngành da giày, túi xách đến thời điểm này có khoảng 550 DN, trong đó có khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp 100% FDI và liên doanh, phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ.
Việt Nam hiện là một trong 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới. Tại cả 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay của ngành, gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, thì giày dép từ Việt Nam đều đang đứng ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc.
Vai trò xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố trong những năm tới khi quy mô ngành ngày một lớn, với tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cụ thể, trong chiến lược phát triển đến năm 2020 của Wolverine Worldwide đã đặt mục tiêu sẽ tập trung vào Việt Nam thay vì Trung Quốc như hiện nay do chi phí từ nguồn cung ứng của Trung Quốc đang tăng cao và Việt Nam được chọn là là nguồn cung thay thế.
Một doanh nghiệp xuất khẩu lớn khác, đóng góp hơn 100 triệu USD doanh thu xuất khẩu/năm là Đông Hưng Group đóng tại Bình Dương, với 3 doanh nghiệp thành viên cũng xác nhận, Công ty đã tái ký hợp đồng sản xuất cho Puma sau 2 năm gián đoạn.
Sở hữu 22 dây chuyền sản xuất, hơn 10.000 lao động tại các nhà máy, việc mở rộng thêm các Công ty thành viên và Xí nghiệp sản xuất của Đông Hưng Group trong những năm vừa qua đã giúp Đông Hưng Group tận dụng được cơ hội thị trường để tiếp nhận đơn hàng từ các hãng giày lớn.
Theo đó, với việc sản xuất cho 12 nhãn hàng giày lớn trên thế giới, trong năm 2014, Đông Hưng Group gia tăng được 30% đơn hàng so với thời điểm năm 2013.
Triển vọng năm 2015 của doanh nghiệp này là khá sáng sủa, do các đơn hàng với các hãng giày lớn còn hiệu lực và có xu hướng gia tăng thêm về số lượng đơn đặt hàng.
Ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Đông Hưng Group cho rằng, riêng việc đầu tư thêm Nhà máy Giày Hà Gia, thị trấn Định Quán, Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chuyên may mũ giày, công suất 5 triệu đôi/năm đã giúp cho Đông Hưng Group hoàn chỉnh hơn khâu sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo nhận định của Lefaso, lợi thế của ngành da giày Việt Nam tại thời điểm này là cơ hội thu hút đơn hàng.
Do đó, những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, chủ động được sản xuất khép kín càng có nhiều cơ hội tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, điển hình như trường hợp Đông Hưng Group hoặc các doanh nghiệp FDI như PouYuen Việt Nam, Pouchen Việt Nam…
Thế Hải