Số hoá truyền hình vẫn còn vướng
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: ngày 08/5/2013 UBND TP Đà Nẵng có buổi làm việc với Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT). Hai bên đã thống nhất chọn Đà Nẵng là địa phương đầu tiên triển khai Đề án 2451 và quyết tâm hoàn thành trước 6 tháng so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Để triển khai thực hiện Đề án 2451, Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo địa phương triển khai Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất TP Đà Nẵng và đang xây dựng dự thảo Đề án triển khai số hóa truyền hình trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Đài PTTH Đà Nẵng sẽ ngừng phát truyền hình tương tự vào tháng 6 năm 2015 |
Tuy nhiên là địa phương tiên phong thực hiện số hóa, Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh_Truyền hình Đà Nẵng (DRT) cho biết: " Hiện nay, VTV Đà Nẵng phát 4 kênh và đài DRT phát 2 kênh đến 2/3 diện tích của Quảng Nam. Khi Đà Nẵng chính thức số hóa truyền hình vào năm 2015, sẽ có 50% dân số Đà Nẵng, (đặc biệt là người dân ở ngoại thành, vùng nông thôn) và 50% người dân ở phía bắc của tỉnh Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng.Trong khi đó, theo lộ trình đến năm 2018, tỉnh Quảng Nam mới thực hiện số hóa truyền hình. Vậy trong 3 năm đó, số người dân Quảng Nam sẽ phải xem truyền hình như thế nào?"
Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng, 3 đơn vị được phép cung cấp truyền dẫn, phát sóng truyền hình là VTV Đà Nẵng, VTC và AVG. Ông Hùng băn khoăn và đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn… trong việc lựa chọn đơn vị nào phát sóng đáp ứng các tiêu chí của Đài DRT như: đảm bảo phủ sóng toàn bộ TP Đà Nẵng với chất lượng tốt; đảm bảo phải sử dụng nhiều kênh quảng bá và giá thành rẻ…
Hiện nay, Đà Nẵng có 60.317 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ đầu thu số trong quá trình thực hiện chuyển đổi, trong đó có 22.045 hộ nghèo, 13.031 hộ cận nghèo (theo chuẩn của TP Đà Nẵng), và 25.241 hộ gia đình chính sách:. Nếu theo chuẩn quốc gia, TP Đà Nẵng chi có chưa đến 2000 hộ nghèo và cận nghèo, vì vậy Đà Nẵng kiến nghị Bộ TT&TT chấp nhận đối tượng hộ nghèo và cận nghèo để hỗ trợ thiết bị đầu thu truyền hình số theo chuẩn của TP Đà Nẵng.
Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ Đà Nẵng số hóa truyền hình
Chia sẻ những khó khăn của Đà Nẵng, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam cho rằng: "Trong quá trình triển khai số hóa truyền hình, Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình quốc gia đã tính toán đến những khó khăn, thách thức mà Đà Nẵng đề cập."
Để gỡ khó cho Đà Nẵng, ông Hoan cho biết: "Khi Đà Nẵng ngừng phát sóng tương tự (Analog), thì Ban chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam sẽ yêu cầu Đài truyền hình Việt Nam điều chuyển máy phát công suất nhỏ vào phát ở Quảng Nam để phục vụ người dân nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: không để “lọt sóng” vào TP Đà Nẵng (nếu không thì việc chuyển đổi số hóa truyền hình của Đà Nẵng sẽ không còn ý nghĩa) và thời gian phát chỉ kéo dài trong vòng 1 năm."
Bên cạnh đó, ông Hoan đề nghị Đài DRT cần phải tính đến bài toán cạnh tranh giữa các nhà đài khi thực hiện số hóa truyền hình. Ông Hoan nhấn mạnh: "Việc số hóa truyền hình sẽ làm thay đổi thế cạnh tranh cơ bản của các nhà đài trên thị trường truyền hình. Với tính ưu việt của công nghệ truyền hình số, Đài DRT sẽ đối mặt với nguy cơ cạnh tranh khốc liệt giữa các đài truyền hình địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên_Huế ….Vì vậy, Đài DRT cần tăng cường nguồn lực, tổ chức sản xuất nội dung chương trình thật tốt để cạnh tranh với các đài khác." Ông Hoan cho biết thêm, đến tháng 9/2013, VTV Đà Nẵng, VTC và AVG sẽ chính thức phát thử nghiệm truyền hình số trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi làm việc với Đà Nẵng ngày 21/8/2013, ông Lê Nam Thắng Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó Ban Chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam đề nghị: UBND TP Đà Nẵng cần có kế hoạch thông tin tuyên truyền chi tiết về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đà Nẵng cần xây dựng phương án quản lý, kiểm soát các thiết bị thu truyền hình, đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân biệt thế nào là thiết bị có thu kỹ thuật số; Xây dựng phương án lựa chọn các doanh nghiệp phát sóng, phương án hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần có phương án tổ chức, sắp xếp, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp. Bộ TT&TT sẽ xem xét và có phương án, chương trình phối hợp kịp thời để hỗ trợ hiệu quả cho Đà Nẵng trong việc hỗ trợ kinh phí trang bị đầu thu truyền hình cho các hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo), hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách; hỗ trợ đầu tư thiết bị số hóa cho các đài phát thanh, truyền hình; hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền.
Đoàn Hạnh - ictnews