Trên cơ sở các phương án do đơn vị tư vấn lập và ý kiến đóng góp của các sở, ngành hữu quan, Sở GTVT TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị UBND TP. Đà Nẵng xem xét, thống nhất chủ trương thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông Cụm nút giao thông phía Bắc cầu Hòa Xuân theo phương án 4; giao Sở GTVT TP triển khai các thủ tục đầu tư dự án này từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành với thời gian thực hiện từ 2021-2025.
Cầu Hoà Xuân |
Cụ thể, phương án này là mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp làm hầm chui trên đường Thăng Long và cầu vượt bằng thép trên đường Cách Mạng Tháng Tám; đồng thời đóng dải phân cách nối liền cầu Hòa Xuân với đường Lê Thanh Nghị với tổng mức đầu tư dự án này khoảng 410 tỷ đồng.
Văn bản UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, trong trường hợp chưa thể cân đối ngân sách thành phố trong giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông vận tải đề nghị phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 mở rộng cầu Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) từ 14,5m hiện nay lên thành 27m, xây dựng hầm chui trên đường Thăng Long với chiều rộng 10,5m, tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu tại nút giao Cách Mạng Tháng Tám - Lê Thanh Nghị với thời gian thực hiện từ 2021-2025 và kinh phí đầu tư khoảng 240 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 đầu tư cầu vượt bằng thép trên đường Cách Mạng Tháng Tám và hoàn thiện phương án tổ chức giao thông toàn bộ Cụm nút giao thông phía Bắc cầu Hòa Xuân với thời gian thực hiện từ 2026-2030 và kinh phí đầu tư khoảng 170 tỷ đồng. Liên quan đến công trình mở rộng cầu Hòa Xuân, trước đây cũng đã có 2 đơn vị, gồm Tập đoàn Sungroup và Cty CP Cấp nước Đà Nẵng từng đề nghị UBND TP giao cho các đơn vị này làm chủ đầu tư.
Cầu Hoà Xuân được đầu tư xây dựng tại bến Đò Xu (cũ). Đây là cầu đầu tiên nối từ hướng trung tâm thành phố Đà Nẵng với điểm đầu là đường Lê Thanh Nghị, băng qua cầu tiếp giáp với điểm đầu phía bên kia Khu đô thị sinh thái Hoà Xuân là đường Nguyễn Phước Lan. Cầu với mục tiêu giao thông huyết mạch cho khu đô thị sinh thái Hoà Xuân. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị khu đô thị sinh thái Hoà Xuân diễn ra nhanh chóng, dân số cơ học tăng nhanh, các cơ quan nhà nước dần chuyển dịch vị trí về ở nên tình trạng giao thông trở nên quá tải.