Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng vừa có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng liên quan đến các phương án triển khai đầu tư khu liên hợp này.
Tại buổi làm việc, ADB đã đề xuất 02 phương án. Theo đó, với phương án công nghệ đốt có phát điện cùng với chôn lấp rác tươi, công suất đốt 1.000 tấn/ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố sẽ có chi phí xử lý chung là 37 USD/tấn rác (mức giá tính tại thời điểm năm 2018).
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Phát triển Châu Á |
Theo ADB, trong thời gian 20 năm hoạt động của dự án, Khu liên hợp sẽ xử lý được 18,9 triệu tấn rác, trong đó, xử lý đốt rác 7,3 triệu tấn và xử lý chôn lấp kỹ thuật 11,6 triệu tấn. Ngoài ra, lượng tro xỉ thải ra từ công đoạn đốt cần được chôn lấp sẽ chiếm khoảng 20-25% trong số 7,3 triệu tấn rác được xử lý đốt.
Phía ADB khẳng định, hiện nay chưa có công nghệ nào đảm bảo xử lý với tỷ lệ chôn lấp dưới 20-25%. Dự kiến diện tích để xây dựng lò đốt và bãi chôn lấp của dự án khoảng 119 ha.
Cùng công nghệ như trên, nếu chọn phương án xử lý đốt hoàn toàn, không chôn lấp rác tươi, dự kiến chi phí xử lý là 65,4 USD/tấn rác và diện tích sử dụng của dự án sẽ nhỏ hơn 119 ha.
Đánh giá về các phương án của ADB, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, các phương án ADB đưa ra hiện nay vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của Thành phố. Với chi phí xử lý 37 USD/ tấn rác thì tỷ lệ rác đốt được quá ít (7,3 triệu tấn trên tổng số 18,9 triệu tấn rác); với phương án đốt hoàn toàn thì mức chi phí 65,4 USD/tấn rác là quá cao so với khả năng của thành phố. Vì vậy, phía ADB cần tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan của thành phố nhằm tính toán, điều chỉnh, tìm ra phương án phù hợp nhất, tối ưu nhất đối với Đà Nẵng.
Theo ông Thơ, để đẩy nhanh tiến thực hiện dự án, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan phối hợp với ADB vận dụng các điều khoản quy định về đầu tư để làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan, cho phép Đà Nẵng trước mắt chưa phê duyệt Báo cáo khả thi dự án, mà chỉ phê duyệt Báo cáo tiền khả thi dự án và tiến hành bước mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
“ADB làm việc với các sở, ngành liên quan sớm đưa ra bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như ưu tiên công nghệ có tỷ lệ chôn lấp thấp nhất, thân thiện với môi trường; diện tích sử dụng cho dự án hợp lý; khung giá trần quy định của thành phố… để làm cơ sở cho thành phố mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư” ông Thơ đề nghị.
Ông Thơ khẳng định, việc đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng hiện đang trở nên vô cùng cấp thiết đối với thành phố. Đà Nẵng rất cần được tư vấn một công nghệ tối ưu có khả năng xử lý rác với tỷ lệ cao nhất trong một khung giá phù hợp.