Nhiều địa phương “vắng bóng” nhà ở xã hội mới
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Số lượng nhà ở xã hội hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu của đề án đến năm 2025. |
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết Hà Nội chỉ có 3 dự án, tương ứng 1.700 căn, đáp ứng vỏn vẹn 9% mục tiêu; TP.HCM cũng chỉ ghi nhận được 7 dự án, tương ứng 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng có 5 dự án, tương ứng 2.750 căn, đáp ứng 43%.
Thậm chí, một số địa phương còn không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn “điểm tên” trong số những địa phương có số lượng đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 ở mức thấp, bất chấp việc sức cầu neo cao. Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM chỉ ghi nhận lần lượt 1.181 căn và 3.765 căn. Một số khu vực khác cũng bị nêu tên như Đà Nẵng (1.880 căn), Cần Thơ (1.535 căn)...
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành sẽ đạt khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Bộ Xây dựng kỳ vọng rằng, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn, cả nước sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đề án đến năm 2025.
Đà Nẵng đấu giá khu đất nghìn tỷ đồng
Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng vừa phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam thông báo đấu giá đối với khu đất ký hiệu A1-2-1 thuộc vệt trục đường từ cầu sông Hàn ra biển trên đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà.
Theo đó, khu đất có tổng diện tích khu đất gần 10.000 m2, giá khởi điểm hơn 137 triệu đồng/m2. Thời gian sử dụng đất 50 năm, người thuê trả tiền một lần. Hiện thành phố đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến khu đất sẽ được sử dụng để xây dựng trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đơn vị tham gia đấu giá phải nộp trước 20% tổng giá trị thửa đất. Trường hợp hai công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì chỉ 1 công ty được tham gia đấu giá.
Doanh nghiệp bất động sản bán lẻ của Thái Lan đặt chân đến VIệt Nam
Mới đây, Công ty Central Pattana, đơn vị trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group, đã thành lập pháp nhân mới tại Việt Nam với tên gọi Công ty TNHH CPN Global Việt Nam. Doanh nghiệp này sẽ tập trung hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với khoản vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.
Vào tháng 3/2023, bà Wallaya Chirathivat, CEO của Central Pattana, cho biết doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư các siêu dự án trong thời gian 5 - 10 năm, mỗi dự án sẽ rộng hơn 350.000 m2 và có mức đầu tư hơn 20 tỷ baht (khoảng gần 14.000 tỷ đồng).
Hiện Việt Nam và Malaysia đang là các quốc gia nằm trong tầm ngắm của Central Pattana, nhờ sự tương đồng về văn hóa, hành vi tiêu dùng và đã có nền tảng từ hệ thống bán lẻ của Central Group. Trước đó, “ông lớn” bán lẻ của Thái Lan đã sớm gia nhập thị trường Việt Nam thông qua công ty Central Retail. Hiện tại, đơn vị này đang vận hành hơn 340 cửa hàng bán lẻ trên 40 tỉnh thành.
Đồng Nai chuyển đổi chức năng khu công nghiệp Biên Hòa 1
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ quy mô 320 ha.
Bản đồ quy hoạch khu công nghiệp Biên Hòa 1. |
Theo đó, đề án sẽ được tách hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 thành hai hồ sơ với quy mô từng dự án.
Đầu tiên là dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh với quy mô diện tích khoảng 44 ha. Hiện nơi này đang đang triển khai dự án trụ sở công an tỉnh (diện tích gần 6 ha) và trụ sở kiểm toán Nhà nước khu vực XIII với diện tích 0,5 ha.
Hồ sơ thứ hai được nhắc đến là dự án khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 với diện tích hơn 286 ha. Trong đó có hai công trình hiện hữu được đề xuất giữ lại, bao gồm tòa nhà Sonadezi (diện tích khoảng 1,2 ha) và trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (diện tích khoảng 2,2 ha).
Hiện nay có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại khu công nghiệp Biên Hòa 1. Theo dự kiến, việc di dời các doanh nghiệp khỏi khu công nghiệp sẽ hoàn thành trong tháng 12/2025.
Nhiều dự án lớn sắp thay đổi diện mạo Bình Thuận
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong sự kiện này, lãnh đạo địa phương đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 doanh nghiệp và trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư tới 8 doanh nghiệp. Các đơn vị này dự kiến sẽ triển khai hàng loạt dự án với tổng diện tích gần 11.000 ha đất với số vốn đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.
Trong đo, dự án có quy mô lớn nhất là tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu đô thị mới của Công ty TNHH Mặt trời Bình Thuận. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng.