Dự án do BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư kiêm điều hành, thời gian triển khai từ nay đến năm 2020 (triển khai thực hiện đầu tư khi công trình được bố trí kế hoạch vốn theo quy định).
Theo đó, tuyến kè có tổng chiều dài 2.124m với điểm đầu tại vị trí tường kè bảo vệ Khu du lịch Xuân Thiều, điểm cuối tại vị trí cống hộp B = 2m (lý trình Km11+927,82) đường Nguyễn Tất Thành.
Bãi tắm Xuân Thiều- Q. Liên Chiểu. |
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tuyến đường Nguyễn Tất Thành chạy dọc biển Liên Chiểu hầu hết đã được đầu tư công trình kè biển, tuy nhiên đoạn nối từ Khu du lịch Xuân Thiều đến cuối tuyến (phía Nam Ô) hiện vẫn chưa được đầu tư. Vào mùa mưa bão hàng năm, đoạn đường này thường xuyên bị sóng biển xâm thực, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân trong khu vực. Đặc biệt, tác động của việc sạt lở đất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường du lịch quan trọng Nguyễn Tất Thành. Do vậy, việc đầu tư tuyến kè biển cho đoạn đường này được xác định là hết sức cấp bách.
Cùng với dự án Đê, kè biển Liên Chiểu, UBND thành phố Đà Nẵng vừa qua cũng đã có quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở công trình Nạo vét bùn hồ Công viên 29-3 thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, do BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng điều hành.
Theo đó, tổng khối lượng bùn nạo vét dự kiến là 112.855,66m3 với kinh phí triển khai hơn 15,3 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, hồ Công viên 29-3 hiện đang tiếp nhận nước mưa từ cống liên phường từ hồ Thạc Gián, cống thoát nước từ khu dân cư Hòa Thuận Nam, Thạc Gián và các tuyến cống đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương. Hướng thoát nước từ hồ đi ra là cống liên phường Xuân Hà đổ vào sông Phú Lộc và 1 nhánh ra cống Lê Độ chảy ra vịnh Đà Nẵng.
Hồ Công viên 29-3 sẽ được tiến hành nạo vét |
Lớp bùn trong hồ hiện dày trung bình từ 0,5-2,0m. Vào mùa nắng, nước có màu xanh do tảo chết nhiều lắng xuống tạo thành bùn.
Kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy chất lượng nước trong hồ đã có dấu hiệu ô nhiễm. Các chỉ tiêu COD, Amoni vượt QCVN hiện hành nhiều lần, lượng oxy hòa tan trong hồ thấp hơn quy chuẩn cho phép, và điều kiện môi trường không phù hợp cho sự phát triển của hệ sinh thái dưới nước. Do đó, việc đầu tư nạo vét hồ là hết sức cần thiết nhằm tăng cường khả năng điều tiết nước, chống ngập úng và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.