Chiều 12/5, thành phố Đà Nẵng tổ chức đối thoại doanh nghiệp 2017. Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP và ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP chủ trì, trực tiếp lắng nghe và giải đáp.
Buổi đối thoại thu hút rất đông doanh nghiệp cũng như có sự tham gia đầy đủ các Sở, ngành; quận huyện và các BQL nhằm kiến nghị và giải đáp các thắc mắc tại chỗ của các doanh nghiệp.
Đích thân Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, ông Huỳnh Đức Thơ (bên trái) Chủ tịch và ông Hồ Kỳ Minh (bên phải) lắng nghe và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. |
Theo ông Trần Văn Sơn, giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, năm 2016, các ngành chức năng tiếp nhận 201 kiến nghị, 200 kiến nghị đã được xử lý. Từ đầu năm 2017 đến nay, có 69 kiến nghị, chủ yếu rơi vào các nhóm chính: đất đai và nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp.
Điều này, theo ông Sơn, cho thấy nhu cầu về sử dụng mặt bằng sản xuất các doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về đơn giá thuê đất và sử dụng hạ tầng tại các KCN. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 loại hình KCN, KCN do doanh nghiệp đầu tư đơn giá thuê theo thị trường; KCN do nhà nước đầu tư, đơn giá từ 7.200-12.600 đồng/m2/năm, trong thời gian dài không điều chỉnh nên rất thấp so với các KCN khác trên địa bàn thành phố, điều này là bất hợp lý và cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào KCN.
Một số nhà đầu tư lợi dụng vào đơn giá thấp, thuê đất nhưng không triển khai dự án và chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác để chuyển nhượng hưởng chênh lệch, gây khó khăn cho công tác quản lý...
Để đảm bảo nguồn thu thành phố và quyền lợi doanh nghiệp, thành phố đã quyết định đơn giá cho thuê đất trả tiền hằng năm là 23.000 đồng/m2/năm và đơn giá thanh toán một lần cho toàn bộ thời gian thuê là 17.400 đồng/m2/năm; mức thu tiền sử dụng hạ tầng 8.000 đồng/m2/năm...
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Đà Nẵng, đây là vấn đề đúng và liên quan trực tiếp đến quy hoạch về giá đất và có tác động lớn đến sự ổn định của doanh nghiệp.
Ông Thơ giao Sở TN-MT, Sở XD hết sức chú ý. Đối với các KCN của thành phố thì có áp giá, nhưng KCN tư nhân chưa có chính sách giám sát lộ trình tăng giá nên phải dự báo được, chứ nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Sắp tới, các KCN mới sẽ lồng ghép chính sách, đấu thầu để tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp và sẽ hình thành nên khung chính sách để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực sự có năng lực triển khai đầu tư các KCN.
Đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu các kiến nghị tại Hội nghị |
Bên cạnh những bất cập này, ông Phan Hải- Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng thay mặt doanh nghiệp kiến nghị về việc các doanh nghiệp phân vân về giá trị nhận và chi phí thời gian bỏ ra về khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố.
“Chính sách khi tiếp cận có nhiều bất cập, nhiều DN không mặn mà cho lắm. Thành phố cần xem xét lại thủ tục trình và thời gian xem xét hồ sơ; kiểm soát công tác hậu kiểm, đo lường những kết quả đó và công khai những chỉ đạo đó đã ứng dụng thực tế được bao nhiêu %; DN sẽ trả lời vì sao không tiếp cận được đồng thời cũng là đánh giá công sức lãnh đạo thành phố trong xây dựng chính sách”- ông Hải kiến nghị thêm.
Ở một khía cạnh khác, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ nhiệm CLB nữ doanh nhân Đà Nẵng cho rằng tâm đắc về chữ An của Đà Nẵng.
“Trên địa bàn Đà Nẵng, nhiều DN có người lao động là nữ công nhân. Vì vậy rất cần hỗ trợ hạ tầng (nhà trẻ, căn hộ thu nhập thấp, các thiết chế văn hóa để tổ chức giao tiếp và nâng cao chất lượng làm việc, môi trường sống...)".
Với kiến nghị này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng: Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã cố gẵng nhưng kết quả chưa nhiều trong khi lao động nữ khá đông. Vì vậy, gây nên tình trạng khó khăn về cuộc sống.
Cũng theo ông Thơ, một số chính sách của Đà Nẵng đã đưa ra nhưng không thành công: kêu gọi các nhà đầu tư giao đất, không thu tiền để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân thuê lại nhưng chưa có nhà đầu tư quan tâm do giá trị đầu tư chưa hấp dẫn.
Ông Thơ kêu gọi các DN quan tâm đầu tư lĩnh vực này có thể gặp lãnh đạo thành phố tìm kiếm giải pháp xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê. Sắp tới sẽ có những chính sách mới để thu hút nhà đầu tư nhằm hoàn thiện đầy đủ các quy hoạch, các thiết chế văn hóa vui chơi giải trí cho công nhân và nhóm nhà trẻ độc lập (đây đang là vấn đề tích cực của Đà Nẵng).
Ông Nguyễ Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: "Có niềm tin là có tất cả. Doanh ngiệp tin vào lãnh đạo thành phố" |
Tại Hội nghị, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tục hành chính vẫn còn cứng nhắc; bảo lãnh tín dụng chưa hiệu quả đối với DN nhỏ và vừa; công ty điện tử Foster kiến nghị Thủ tục giải quyết Bảo hiểm xã hội còn chậm chạp; Doanh nghiệp FDI về du lịch chưa được phép trang bị xe để phục vụ du khách...
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, trong năm 2016 và 2 quý 2017, dù thành phố đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều nhưng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp kiến nghị chưa thật sự đạt yêu cầu như doanh nghiệp mong muốn. Có lý do khách quan, chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu. Buổi Gặp gỡ nhằm mang lại niềm tin và mang lại cam kết của lãnh đạo thành phố cho sự phát triển của doanh nghiệp.
“Có niềm tin là có tất cả. Doanh ngiệp tin vào lãnh đạo thành phố, tin vào những khó khăn được tháo gỡ sẽ đạt được kết quả mong muốn. Buổi đối thoại cũng sẽ là nền tảng cho thời gian còn lại trong năm để cả lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp cùng cố gắng với mục tiêu đưa thành phố phát triển, cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh” - ông Xuân Anh khẳng định.