TP. Đà Nẵng có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế đêm. |
Doanh nghiệp nóng lòng
Ông Phùng Văn Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Nguyên Food & Event chia sẻ, nhiều năm trước, Công ty đã đầu tư, quản lý và khai thác sân khấu cộng đồng BNF tại Công viên biển Phạm Văn Đồng. Với mong muốn mở rộng quy mô, đưa khu vui chơi trở thành điểm đến hấp dẫn vào ban đêm của Đà Nẵng, Công ty này đã nhiều lần đề xuất đầu tư mở rộng, cũng như kéo dài thời gian hoạt động vào ban đêm, nhưng không được chấp nhận.
“Hiện tại, Đà Nẵng chưa có cơ chế cho phát triển kinh tế đêm. Việc này rất lãng phí và khiến điểm đến kém hấp dẫn hơn so với những địa phương khác. Vì vậy, những doanh nghiệp như chúng tôi rất nóng lòng và trông chờ một cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế đêm”, ông Thuận nói.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam nhận định, Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ lớn về cạnh tranh điểm đến, đặc biệt từ 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, bởi các địa phương này đang rất linh hoạt về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm thế mạnh.
Không chờ đợi!
Thực tế, dù có điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện, nhưng so với những địa phương khác, TP. Đà Nẵng đã chậm chân trong việc phát triển kinh tế đêm. Vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc nghiên cứu kinh tế đêm, TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế đêm. Dự kiến, cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế đêm sẽ được trình HĐND TP. Đà Nẵng thông qua trong tháng 12/2020.
Trong khi chờ chính sách chung của Chính phủ, lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định thực hiện trước việc phát triển kinh tế đêm, để tận dụng cơ hội.
Do tác động nặng nề của Covid-19, kinh tế Đà Nẵng trong năm 2020 tăng trưởng âm hơn 9,2%; lĩnh vực dịch vụ du lịch chỉ đạt doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với năm 2019. Thực trạng đó đòi hỏi Đà Nẵng phải sớm triển khai nhóm giải pháp đủ mạnh để vực dậy kinh tế, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm là một giải pháp quan trọng.
Trong cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế đêm, TP. Đà Nẵng sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án phục vụ phát triển kinh tế đêm trong năm 2021. Trong đó, giao quận Ngũ Hành Sơn làm chủ đầu tư 7 tuyến đường ở phố du lịch An Thượng; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, bao gồm cả bến du thuyền, cũng đã được khởi công trong tháng 10/2020. Về lâu dài, Thành phố sẽ quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm tách biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt đạt quy mô, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện để khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc các lĩnh vực văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống và tham quan du lịch. Trước mắt, Thành phố sẽ chọn lọc tổ chức khai thác các khu vực/dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có. Đó là phố du lịch An Thượng, phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, khu vực Helio Center, chợ đêm Sơn Trà... Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ thí điểm kéo dài thời gian hoạt động phục vụ khách tại điểm vui chơi, giải trí đến 2 giờ sáng hôm sau, thay vì trước 12 giờ đêm như hiện nay.
Câu chuyện kinh tế đêm của Đà Nẵng sẽ còn dài. Tuy nhiên, với cơ chế khuyến khích và đầu tư cho kinh tế đêm, Đà Nẵng đang khởi động cho bước nhảy xa để khai thác “mỏ vàng” kinh tế này.
- Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam