Sáng 18/2, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã đến kiểm tra và phát lệnh ra quân thi công trên công trình tuyến ống đoạn từ Nhà máy cấp nước Hòa Liên đến tuyến đường số 2 Khu Công nghiệp Hòa Khánh (Dự án 1) và dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò (Dự án 2).
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (thứ 3 từ phải qua), ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng tặng quà đại diện đơn vị thi công Dự án nạo vét thoát lũ sông Cổ Cò qua địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh |
Dự án 1 do Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) làm chủ đầu tư, mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Theo kế hoạch, giữa năm 2021, dự án Nhà máy cấp nước Hòa Liên giai đoạn 1 hoàn thành.
Tại dự án này, ông Lê Trung Chinh đề nghị Dawaco, đơn vị điều hành dự án, nhà thầu xây dựng và các sở, ban, ngành thành phố triển khai thi công dự án bảo đảm về tiến độ, an toàn trong lao động và công trình hoàn thành có chất lượng cao để khớp nối đồng bộ hạ tầng cấp nước ở khu vực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt lẫn sản xuất.
Dự án tuyến ống cấp nước từ Nhà máy cấp nước Hòa Liên đến tuyến đường số 2 Khu Công nghiệp Hòa Khánh có tổng mức đầu tư gần 187 tỷ đồng, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 6 km đi qua các Khu tái định cư Hòa Liên 4, Hòa Liên 5 và các tuyến đường 4B-ND, tuyến đường số 2, số 3 và số 5 trong Khu công nghiệp Hòa Khánh... Công trình hoàn thành sẽ khớp nối đồng bộ hạ tầng cấp nước đã xây dựng của Dawaco; góp phần truyền tải, vận chuyển nước sạch từ Nhà máy nước Hòa Liên sau khi đưa vào hoạt động để vận hành khai thác.
Thi công dự án nạo vét thoát lũ sông Cổ Cò. Ảnh: Hà Minh |
Chỉ đạo tại dự án “Nạo vét thoát lũ sông Cổ Cò”, ông Lê Trung Chinh cho biết, dự án được lãnh đạo 2 địa phương Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thống nhất cao về chủ trương đầu tư. “Hợp phần dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng đã triển khai từ nhiều năm qua và tổ chức thi công cao điểm vào năm 2020. Tuy nhiên, do tác động của Covid -19 nên một số hạng mục công trình còn chậm. Năm 2021, lãnh đạo thành phố xác định đây là dự án trọng điểm nên tập trung đầu tư, chỉ đạo để sớm hoàn thành và chuẩn bị hạ tầng hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển đô thị cũng như kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và Quảng Nam”.
Theo ông Lê Trung Chinh, thời gian đến, cảnh quan hai bờ sông Cổ Cò sẽ được thiết kế kiến trúc gắn với đầu tư phát triển các khu đô thị, tái thiết các khu dân cư tạo sự đồng bộ về hạ tầng có tính kết nối. Với tầm quan trọng của dự án, UBND thành phố phân công lãnh đạo cũng như các sở, ban, ngành thường xuyên theo dõi, chỉ đạo để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Do đó, đơn vị quản lý dự án, nhà thầu phải nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao để bám sát công trường, theo dõi sát tiến độ về khối lượng thi công xây lắp trên tinh thần: “Tiến độ, chất lượng và an toàn”.
Sông Cổ Cò qua địa bàn Đà Nẵng sắp tới sẽ được quy hoạch hoàn chỉnh để phát triển đô thị và kết hợp với Quảng Nam khai thác tuyến du lịch đường sông. Ảnh: Hà Minh |
Dự án “Nạo vét thoát lũ sông Cổ Cò” do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 486 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Đầu tư xây dựng tuyến kè có chiều dài 3.562 m; nâng cấp cầu Biện trên tuyến đường Trần Đại Nghĩa theo khổ thông thuyền cấp IV; bến đón trả khách du lịch đường thủy.