Đầu tư
Đà Nẵng làm thêm hầm chui, cầu chui để giảm áp lực giao thông
Hà Minh - 20/04/2016 15:03
Tốc độ phát triển kinh tế cao đi cùng các tiện ích xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu người dân của Đà Nẵng thời gian qua đã kéo theo sự gia tăng của phương tiện và dân số. Điều này đã gây áp lực lớn lên giao thông của TP. Đà Nẵng. Để giảm tải vấn đề này, Đà Nẵng đã bắt tay vào làm giao thông chui (hầm chui, cầu chui) trên các tuyến đường và qua lòng sông Hàn.

Cầu chui

7h sáng. Nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương- Lê Độ, cửa vào phía Tây Bắc của TP Đà Nẵng, nằm trên địa bàn quận Thanh Khê, xe máy, ô tô, xe tải nhẹ, xe container ken dày, bám sát nhau nhích từng vòng xe một.

Chiếc chạy đúng làn đường, chiếc lấn qua làn khác, chiếc lại vượt ra khỏi làn để lấn đường lên phía trước, rẽ ngang, dọc. Cạnh đó, người đi bộ qua vạch trắng đứng chôn chân chờ mãi nhưng phương tiện tham gia giao thông không giãn ra được để họ băng qua đường...

Phối cảnh cầu chui hình chữ Y tại nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương sắp được xây dựng.

Kể từ khi nút giao thông ngã Ba Huế được xây hệ thống công trình cầu vượt, khung cảnh hỗn loạn lại thường xuyên xảy ra tại nút giao thông này.

Chiến sỹ Phạm Thanh Tú, Đội CSGT Công an quận Thanh Khê cho biết: vào những giờ cao điểm, nút giao thông này thường xuyên quá tải. Nhiều lực lượng phải tham gia điều tiết giao thông rất vất vả. Những vụ va quẹt, va chạm và những vụ tai nạn cũng vì vậy mà xảy ra.

Đó là những ngày thường, còn những ngày lễ thì quân số anh em thực thi nhiệm vụ phân luồng giao thông, xử lý tình huống còn căng thẳng hơn. Nếu không có lực lượng túc trực là nguy cơ tắc đường sẽ diễn ran gay. Cũng dễ hiểu nguy cơ mà chiến sỹ Tú nói, vì nút giao thông này là cửa ra vào của 2/3 dân số địa bàn quận Thanh Khê và toàn bộ quận Liên Chiểu để vào trung tâm thành phố.

Trong khi đó, 17h, chiều tại nút giao thông cầu Lê Duẩn-Trần Phú-cầu Sông Hàn tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Trên cầu Sông Hàn, từng hàng  xe oto, xe máy nối đuôi nhau chiếm gần nửa chiều dài mặt cầu để vào trung tâm thành phố. Đối diện là đường Lê Duẩn, các loại phương tiện số lượng tương đương, người đi đường cũng đang mệt mỏi chực chờ để qua cầu đi về hướng quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn sau một ngày làm việc căng thẳng.

Để hướng dẫn giao thông, Đội CSGT quận Hải Châu nhiều hôm phải làm hành lang mềm điều tiết phương tiện. Vậy nhưng, tại điểm giao thông này cũng đã có lúc gây tắc đường nên ở những thời điểm nhất định, TP. Đà Nẵng đã áp dụng cấm xe vào các giờ cao điểm.

Để giảm tải cho hai nút giao thông quan trọng này. UBND TP. Đà Nẵng đã lên kế hoạch xây dựng các cầu chui. Hiện kế hoạch này đang được rốt ráo triển khai để hoàn thành trước tuần lễ APEC sẽ diễn ra vào tháng 7/2017.     

Hầm chui thứ nhất nằm trên đường Trần Phú (tại điểm giao cắt với đường Lê Duẩn dẫn lên cầu sông Hàn) dài hơn 460m, phần hầm kín dài 40m, rộng 7,5m; phần hầm hở dài 94,4m. Dự án có tên Nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, tổng kinh phí gần 140 tỉ đồng.

Cầu chui thứ 2 tại nút giao đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, hình chữ Y, với ba hầm hở ở ba nhánh dẫn vào nút.

Và hầm chui

Cùng với việc làm các cầu chui, TP.Đà Nẵng cũng đang lấy ý kiến các chuyên gia về việc xây dựng hầm chui qua sông Hàn (như mô hình hầm Thủ Thiêm-TP.HCM).

Theo kiến trúc sư Hoàng Quy Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đà Nẵng, ý tưởng làm hầm chui qua sông Hàn đã được Đà Nẵng tính toán và lên phương án từ vài năm trước. Đó là khi làm cầu dây võng Thuận Phước, ngay cửa biển Thuận Phước.

Khi đó, đa số các ý kiến đều cho rằng làm hầm chui qua vị trí này là hợp lý vì là cửa sông. Bếu làm cầu, mỗi lần gió bão các phương tiện không qua lại được. Không những vậy, làm cầu vị trí này sẽ không đáp ứng được cho các xe chở hàng hóa, đặc biệt xe container từ cảng Tiên Sa lưu thông qua cầu để tiến ra QL1A ở phía Tây Bắc thành phố.

Thực tế đang diễn ra đã đúng như những kiến nghị trước đó. Vào mùa mưa bão, người dân và phương tiện không thể qua lại do mặt cầu cao, gió thổi mạnh dễ xảy ra tai nạn. Cây cầu này sau một thời gian đi vào sử dụng cho các loại xe tải chạy qua đã bị bong tróc,  mặt cầu biến dạng nên ngành gioa thông đã hạn chế tải trọng xe. Chỉ loại xe dưới 2,5 tấn mới được qua cầu.

Lý do này theo ông Huy là do công nghệ và địa chất tại vị này không phù hợp. Không những vậy, tại thời điểm này, TP cũng không có tiền làm hầm chui nên chọn phương án làm cầu dây võng.

Từ những bài học từ cầu Thuận Phước, ông Huy cho rằng việc xây hầm chui qua sông Hàn lần này cần phải được tính toán khoa học và tham vấn các ý kiến của chuyên gia.

Vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia đến từ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Bộ GTVT, Đại học GTVT... Hầu hết các chuyên gia băn khoăn với phương án xây dựng hầm qua sông Hàn và đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng nên xây thêm cầu sẽ phù hợp hơn với quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/QĐ-TTg.

Mặt khác, với khái toán ban đầu của hầm qua sông Hàn là 5.700 tỉ đồng thì số lượng quỹ đất để thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) sẽ rất lớn nên cần xem xét quy hoạch sử dụng đất nơi nào cho phù hợp với sự phát triển chung của đô thị. Nếu làm hầm chui thì nên tổ chức thi tuyển phương án rộng rãi.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng thêm môt công trình vượt sông Hàn để giảm tải giao thông và tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến phản biện.

Tin liên quan
Tin khác