Ông Nguyễn Tứ, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản TP. Đà Nẵng lắc đầu ngao ngán: “Hầu như chợ nào khi đoàn kiểm tra đến lấy mẫu sản phẩm đều dính đến chất cấm. Đợt vừa rồi, lấy mẫu dưa cải tại 3 chợ đầu mối Hòa Cường, Hòa Khánh và Đống Đa (một chợ được xây dựng theo mô hình kiểu mẫu về an toàn thực phẩm của Đà Nẵng), thì kết quả cho thấy tất cả đều nhiễm chất cấm vàng ô (Auramine O).
Trước đó, cũng qua kiểm tra, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản TP. Đà Nẵng phát hiện 10/13 mẫu măng được lấy đi xét nghiệm cho kết quả có vàng ô. Đây là loại chất bột tinh thể hình kim, màu vàng, có nhân vòng phenol, dễ tan trong nước và cồn, dùng để nhuộm vải, giấy, gỗ, màu sơn quét tường, được Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3 - có thể gây bệnh cao.
“Dù phát hiện có chất cấm trong thực phẩm, nhưng chúng tôi chưa biết phải xử phạt như thế nào. Theo quy định của pháp luật, muốn xử phạt những người kinh doanh măng, dưa cải nhuộm vàng ô, cơ quan chức năng phải chỉ ra được nơi có đủ thẩm quyền kiểm nghiệm. Nghịch lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa chỉ định cụ thể phòng xét nghiệm nào được kiểm tra chất cấm này”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết.
“Bắt được là xử phạt ngay, cấm ngay, không cớ gì phải chần chừ. Bán đồ ăn mà cho chất cấm vào thì việc xử lý cần lấy sức khỏe người dân làm trọng hay cân nhắc theo tiêu chuẩn, quy định giấy tờ làm trọng?”, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giải quyết lúng túng của các cơ quan chức năng bằng những chỉ đạo dứt khoát.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Theo đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng, ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương chậm nhất đến ngày 15/5 phải làm xong việc rà soát lại toàn bộ các văn bản về an toàn thực phẩm của bộ, ngành, Trung ương để lọc ra những văn bản phù hợp với thực tiễn của Đà Nẵng. Điều này tránh tình trạng dàn hàng ngang văn bản rồi thấy rối hoặc để văn bản “trói” mình trong việc thực thi quyền hành bảo vệ sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, các ngành phải xây dựng phương án tổ chức bộ máy quản lý và nội dung hoạt động; triển khai thực hiện các điểm bán rau sạch đảm bảo chất lượng cho người dân Thành phố, lưu ý các chính sách hỗ trợ cho người trồng rau trong trường hợp mất mùa do thiên tai và các vấn đề liên quan… để duy trì và phát triển các điểm bán rau sạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố trước ngày 15/5.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần làm việc với các doanh nghiệp để thống nhất xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, cung cấp chuỗi thực phẩm sạch cho địa bàn Thành phố và hướng đến phát triển thành vùng cung cấp thực phẩm sạch cho địa bàn miền Trung.
“Mạnh tay xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như thông báo kết quả kiểm tra cho UBND các quận, huyện, báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố trong tháng 5/2016”, ông Đặng Việt Dũng chỉ đạo thêm.