Điểm nóng
Đà Nẵng phản hồi thông tin liên quan đến Dự án đường gom dọc đường sắt
N.T - 03/04/2023 18:27
Dự án Tuyến đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt Hòa Cầm đến cầu Đỏ có 111 hồ sơ về giải phóng mặt bằng, đến nay còn 22 hồ sơ chưa ký biên bản bản giao mặt bằng.
Một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng (gọi tắt là Ban Quản lý) vừa có công văn phản hồi thông tin gửi Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn liên quan đến Dự án Tuyến đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt Hòa Cầm đến cầu Đỏ.

Cụ thể, trong văn bản do ông Phan Đình Đức, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng ký ngày 30/3/2023 đề cập, liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, theo số liệu của Ban Giải phóng mặt bằng quận Cẩm Lệ cung cấp, Dự án có tổng số 111 hồ sơ đền bù, đến nay còn 22 hồ sơ chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng.

“Hiện nay, Hội đồng Bồi thường dự án đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vận động nhân dân chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng để triển khai thi công theo chỉ đạo UBND thành phố tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 27/1/2023 về việc ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2023”, Ban Quản lý đề cập.

Nhiều đoạn cống thoát nước vẫn đang trong quá trình thi công. Đon vị thi công có giăng dây cảnh báo công trình nhưng lại không phát huy tác dụng. (ảnh chụp chiều ngày 3/4).

Ban Quản lý cho biết, Dự án được đầu tư xây dựng đường gom chạy dọc đường sắt Bắc - Nam nằm gần phạm vi hành lang giao thông đường sắt, xây dựng mở rộng các tuyến đường ngang, di dời các nhà gác, di dời đường dây thông tin tín hiệu đường sắt… thuộc tài sản quản lý khai thác của ngành đường sắt. Do đó trong các bước lên kế hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, Ban Quản lý phải phối hợp với đơn vị trong ngành đường sắt như Tổng công ty Đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam để lập hồ sơ thiết kế phù hợp và đảm bảo an toàn đường sắt. Đây là nguyên nhân dẫn đến thời  gian chuẩn bị đầu tư kéo dài.

Ngoài ra, theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng, dự án chỉ được đấu thầu lựa chọn nhà thầu khi có ít nhất 30% số hộ dân của dự án bàn giao mặt bằng. Ngày 22/11/2022, UBND quận Cẩm Lệ thông báo có trên 30% số hộ dân đã bàn giao mặt bằng (tại công văn số 570), nên Ban Quản lý mới đủ cơ sở triển khai công tác lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Được biết, Ban Quản lý đã đăng tải mời thầu (theo hình thức DTRR) gói thầu gồm xây lắp giao thông, thoát nước, cấp nước; di dời đường dây trung, hạ thế, thu hồi điện chiếu sáng hiện có và xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng; di dời hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, đường bộ; cải tạo đường ngang đường sắt, di dời nhà gác chắn; cây xanh vào ngày 23/11/2022. Liên danh do Công ty cổ phần xây dựng Liên Việt Tiến (nhà thầu chính) được công bố trúng gói thầu này vào ngày 22/12/2022.

Một tốp công nhân vẫn đang tiến hành đổ bê tông thi công hệ thống thoát nước gần cầu vượt Hòa Cầm (ảnh chụp chiều 3/4).

“Hiện nay, nhà thầu đang tập trung triển khai thi công hệ thống thoát nước, cấp điện tại những đoạn đã bàn giao mặt bằng, dự kiến hoàn thành công trình theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết (720 ngày kể cả thời gian chờ lún đoạn xử lý nền đất yếu)”, Ban Quản lý phản hồi.

Trước đó, ngày 26/3/2023, Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn đã có bài phản ánh  “Đà Nẵng Dự án đường gom dọc đường sắt loay hoay giải phóng mặt bằng”, nội dung đề cập, được phê duyệt chủ trương từ năm 2018, nhưng sau hơn 5 năm triển khai, Dự án này vẫn đang loay hoay giải phóng mặt bằng.

Người dân ở tổ 17, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết, giá đất ở khu tái định cư cao hơn đơn giá đất được đền bù, khiến họ không đủ tiền cất nhà ở nơi ở mới. Đó là lý do họ bám trụ để sống trong vùng quy hoạch Dự án.

Đến ngày 1/3/2023, theo cập nhật tình hình thực hiện Dự án của Ban Quản lý, còn 46 hồ sơ tiếp tục triển khai công tác giải tỏa (đã bàn giao mặt bằng 71 hồ sơ)…

Tin liên quan
Tin khác