Quản lý nhà nước về báo chí đi vào chiều sâu
Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 4 cơ quan báo chí địa phương hoạt động, gồm 3 cơ quan báo in; 1 đài phát thanh - truyền hình và báo điện tử; 108 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt Văn phòng đại diện (VPĐD), cử phóng viên thường trú, với trên 800 nhân sự tác nghiệp.
Nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về chỉ đạo, quản lý báo chí đảm bảo hiệu quả, đúng với Luật báo chí đã ban hành, ngày 16/5/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 10111-QĐ/TU quy định về việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn Thành phố.
Theo đánh giá của Thành ủy Đà Nẵng, qua 5 năm thực hiện, đến nay, nhìn chung, các cơ quan, địa phương, đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung theo quy định và đạt được một số kết quả quan trọng.
Công tác tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về báo chí được đảm bảo. Các cấp, các ngành có liên quan ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đi vào chiều sâu.
Công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí, định hướng phát triển báo chí, được thực hiện có hiệu quả.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí được quan tâm thực hiện thường xuyên và đi vào chiều sâu; hoạt động định hướng và quản lý báo chí ngày càng đi vào nền nếp, có sự phân công rõ vai trò giữa các cơ quan, đơn vị. Việc rà soát hoạt động của các cơ quan báo chí ngày càng chặt chẽ, qua đó, kịp thời xử lý các trường hợp sai phạm, chưa tuân thủ đúng các chỉ đạo, định hướng, quy định pháp luật về báo chí.
Công tác đấu tranh, xử lý trên lĩnh vực thông tin - truyền thông được thực hiện quyết liệt hơn. Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí từng bước được triển khai bài bản và nghiêm túc, bám sát quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý báo chí trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng VPĐD, phóng viên thường trú của các tạp chí hoạt động trên địa bàn Thành phố có biểu hiện “báo hóa tạp chí”, lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu cá nhân, tổ chức; hoạt động chưa đúng tôn chỉ, mục đích của báo, vi phạm các nguyên tắc hoạt động của người làm báo, vi phạm quy tắc ứng xử mạng xã hội...
Công tác theo dõi, tham mưu, định hướng báo chí đối với một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp đôi lúc chưa chặt chẽ, còn bị động, lúng túng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan báo, đài trong xử lý khủng hoảng truyền thông còn chưa kịp thời. Việc theo dõi, tham mưu xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội gặp khó khăn…
Tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu tại Quyết định số 10111.
Cụ thể, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành phố về quản lý báo chí; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch; tiếp tục phát huy tính chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tại địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, lập kế hoạch truyền thông và cung cấp thông tin về những vấn đề xã hội quan tâm cho báo chí thường xuyên hơn bằng nhiều hình thức phù hợp; tăng cường thực hiện thẩm quyền đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí…
Đặc biệt, mới đây, ngày 27/10/2023, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Quyết định quy định về việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Mục đích ban hành Quyết định là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trên địa bàn Thành phố, góp phần tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ Thành phố, sự đồng thuận trong xã hội; bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.n Mai Linh