Viễn thông - Công nghệ
Đà Nẵng tăng tốc phát triển vi mạch, bán dẫn
Linh Đan - 23/02/2024 07:53
Ngay từ đầu năm 2024, Đà Nẵng bắt đầu tăng tốc trên “đường đua” phát triển vi mạch, bán dẫn bằng những hành động cụ thể.

Tại sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024”, tổ chức vào ngày 26/1, TP. Đà Nẵng đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, Đà Nẵng trao bản ghi nhớ về việc hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn và Tập đoàn Synopsys International Limited.

Bên cạnh đó là Bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình Intel® cho nguồn nhân lực tương lai tại TP. Đà Nẵng giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn và Tập đoàn Intel.

TP. Đà Nẵng còn ký kết bản ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Cũng trong sự kiện trên, TP. Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, với Dự án Trung tâm thương mại MM Mega Market Danang, tổng vốn đầu tư gần 20 triệu USD. Đồng thời, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty KP Aero Industries, với Dự án KP Aero Space Việt Nam, tổng vốn đầu tư gần 20 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị sớm được triển khai những bản ghi nhớ, cam kết giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng với Tập đoàn Synopsys và Tập đoàn Intel, tạo điều kiện cho Thành phố cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển lĩnh vực này.

Cũng ngay trong ngày 26/1, Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC).

DSAC được xác định là đầu mối chuyên trách tham mưu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu lãnh đạo Thành phố xây dựng và triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Thành phố kỳ vọng, DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước.

Ba chức năng chính của DSAC gồm đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

DSAC sẽ đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển Iĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Trung tâm này còn triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, song song với các hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, DSAC cần chủ động phối hợp với Synopsys và Intel để triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024. Đây là tiền đề để DSAC mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của các tập đoàn quốc tế về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Chúc mừng Đà Nẵng có bước đi mạnh mẽ trong việc chuẩn bị đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Có thể nói, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thành lập trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Với những quyết tâm hành động cụ thể của Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng địa phương đồng hành phát triển ngành công nghiệp hấp dẫn này...”, ông Dũng nói.

Là doanh nghiệp đang đầu tư khá thành công tại Đà Nẵng, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Synopsys khu vực Nam Á cho rằng, khi dư địa phát triển công nghệ thông thường không còn, thì Đà Nẵng phải làm công nghệ cao. Đà Nẵng hoàn toàn làm chủ được công nghệ, nhân lực, chất lượng kỹ sư cũng đáp ứng tốt cho ngành vi mạch bán dẫn.

“Các trường đại học tại Đà Nẵng đã sẵn sàng cho việc đào tạo kỹ sư bán dẫn. Thành phố đã và đang chuẩn bị hạ tầng cho các công ty thiết kế chip, công ty kiểm thử, lắp ráp”, ông Lâm nói.

Tin liên quan
Tin khác