Vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai Dự án có liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa đối với 5.443 hồ sơ, trong đó có 1.289 hộ di dời giải tỏa cần bố trí tái định cư. |
Khó khăn ở giai đoạn cuối
Năm 2013, từ nguồn vay ODA và nguồn đối ứng của Thành phố, Đà Nẵng bắt tay triển khai Dự án ưu tiên Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, với mục tiêu tổng quát là cải thiện môi trường đô thị; mở rộng sự tiếp cận của người dân thành phố đến các dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước; mạng lưới đường bộ và giao thông công cộng quan trọng tại các khu vực được chọn của Thành phố.
Dự án gồm 5 hợp phần: cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải; hệ thống xe buýt nhanh BRT; các tuyến đường giao thông đô thị chiến lược; tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án và các hoạt động được chuyển sang từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2013 đến ngày 30/6/2021.
Theo ông Huỳnh Anh Vũ, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (Ban Quản lý), đến nay, Dự án đã trao thầu 67/73 gói thầu; trong đó 41 gói đấu thầu trong nước, 26 gói đấu thầu quốc tế, với tổng giá trị theo giá hợp đồng gốc là 206,43 triệu USD trên tổng giá trị đấu thầu là 232,54 triệu USD.
“Công tác đấu thầu, bao gồm đã ký hợp đồng cũng như đang đấu thầu đạt 89,48% so với tổng giá trị đấu thầu. 6 gói thầu còn lại đang tiếp tục triển khai công tác đấu thầu và chưa ký hợp đồng, với tổng giá trị dự toán được duyệt là 26,11 triệu USD. Dự án đã giải ngân được 1.583,24 tỷ đồng vốn đối ứng (đạt 83%) và 2.852,83 tỷ đồng vốn ODA (đạt 45%), nhưng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”, ông Vũ cho biết.
Nguy cơ nguồn vốn vay bị cắt
Vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai Dự án có liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa đối với 5.443 hồ sơ, trong đó có 1.289 hộ di dời giải tỏa cần bố trí tái định cư. Vì vậy, để đạt tiến độ ở mức cao nhất, Ban Quản lý đã đốc thúc các đơn vị thi công, nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục đã có mặt bằng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 789 hộ chưa bàn giao mặt bằng, đồng thời phát sinh thêm khu tái định cư mở rộng đường nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư của Dự án. Ngoài ra, công tác điều chỉnh thiết kế, dự toán, đấu thầu của các gói thầu thuộc Hợp phần 2 do phải tái cơ cấu từ hệ thống xe buýt nhanh BRT thành hệ thống xe buýt chất lượng cao.
Không những vậy, Hợp phần 1 về cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải vẫn còn nhiều gói thầu chưa đạt tiến độ đề ra. Hợp phần 2 về hệ thống xe buýt nhanh chất lượng cao cũng chậm trễ về gói thầu nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để phục vụ tuyến đường BRT (mới đạt khoảng 15% khối lượng hợp đồng)...
Việc chậm tiến độ các hạng mục dự án đang dẫn đến nguy cơ nguồn vốn vay bị cắt. Theo ông Lâm, Ban Quản lý đã kiến nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP. Đà Nẵng quan tâm chấp thuận và có công văn trình Ngân hàng Thế giới và Thủ tướng Chính phủ để gia hạn Dự án đến tháng 6/2023 nhằm xử lý hết những vướng mắc trên.
Đồng thời, Ban Quản lý cũng đề nghị các ngành chức năng của Thành phố sớm chỉ đạo các ban, hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng để nhà thầu sớm triển khai thi công; các đơn vị liên quan tổ chức đẩy nhanh việc xem xét, thẩm định và phê duyệt hồ sơ điều chỉnh một số gói thầu.
Đối với hợp phần hệ thống xe buýt nhanh chất lượng cao, thời gian chỉ còn 12 tháng để vừa thực hiện công tác lựa chọn tư vấn, điều chỉnh thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế, vừa lựa chọn nhà thầu thực hiện và thi công hoàn thành hợp đồng. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ chặt chẽ từ UBND Thành phố và các sở Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thông tin - Truyền thông, Tài chính... thì mới bảo đảm tiến độ thực hiện và hoàn thành theo tiến độ cam kết.