Điểm nóng
Đà Nẵng: Vụ tranh chấp đất “lạ đời” và sự bất lực của địa phương
Hoàng Anh - 25/04/2023 14:19
Một người dân ở thành phố Đà Nẵng phải kêu cứu khắp nơi, khi liên tục bị hàng xóm lấn chiếm ranh giới thửa đất.

Phớt lờ thông báo của chính quyền!

Trong đơn gửi đến Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phi Thoàng (phường Tân Chính, Quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cho biết, gia đình ông bị kéo vào vụ tranh chấp đất “lạ đời” khi mua một lô đất ở nông thôn tại xã Hoà Nhơn (huyện Hoà Vang), liên tục bị hàng xóm lấn chiếm đất, nhưng không làm được gì.

Theo ông Thoàng, tháng 5/2022, ông mua thửa đất số 858 tại thôn Ninh An (xã Hòa Nhơn, huyện Hoà Vang) từ vợ chồng ông Ngô Tấn Sỹ và Phạm Thị Hồng Vi.

Khi tiến hành các thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoà Vang từ chối tiếp nhận hồ sơ. Lý do vì phát sinh tranh chấp, khi gia đình bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung - chủ thửa đất 857 (bên cạnh lô đất ông Thoàng nhận chuyển nhượng) đã có đơn khởi kiện bà Huỳnh Thị Vân Anh (chủ cũ thửa đất 587 đã chuyển nhượng cho gia đình bà Nhung). Bà Nhung khởi kiện vì cho rằng, khi bán thửa đất 587, bà Vân Anh đã giao không đủ diện tích đất.

Ông Huỳnh Hồng chủ cũ của thửa đất chỉ vị trí ranh giới đã được xác định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc thiếu diện tích đất được gia đình bà Vân Anh giải thích: năm 2011, ông Huỳnh Hồng (cha của bà Vân Anh) đã cắt 3 thửa đất để cho các con. Lúc đó, con đường bê tông đi qua các thửa đất này chỉ rộng 2m. Đến năm 2015, nhà nước có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, tuyến đường này được mở rộng lên 3,5m. Vì nằm phía ngoài, nên một phần diện tích của thửa đất 587 đã được làm đường bê tông.

Theo quy định, biến động ranh giới đất này phải được cập nhật vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, điều này lại không được thực hiện. Câu chuyện tranh chấp phát sinh từ đây.

Vào năm 2018, gia đình bà Nhung mua lại thửa đất 587 của bà Vân Anh, nhưng mãi đến năm 2022, gia đình bà Nhung mới phát đơn kiện đến Toà án Nhân dân huyện Hoà Vang vì cho rằng thiếu đất. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, Toà án Nhân dân huyện Hoà Vang ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, khi bà Nhung có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Gia đình bà Nhung làm thay đổi hiện trạng giữa hai thửa đất, sau khi có thông báo của chính quyền xã Hoà Nhơn.

Để giải quyết tranh chấp ranh giới và xác định tình trạng tranh chấp đất đai tại các thửa đất trên, ngày 9/12/2022, chính quyền xã Hoà Nhơn đã tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan. Trong Thông báo số 175/TB-UBND ngày 16/12/2022, Chủ tịch UBND xã Hoà Nhơn, ông Trần Văn Thu yêu cầu: “Trong thời gian giải quyết tranh chấp, yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng đất, không xây dựng, cải tạo, trồng trọt trên phạm vi đất tranh chấp”.

“Chính quyền xã yêu cầu như thế, nhưng ngày 14/12/2022, gia đình bà Nhung đã nhổ cọc bê tông mốc hàng rào ranh giới giữa hai thửa đất 857 và thửa đất 858 của tôi, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất. Không dừng lại ở đó, đến ngày 23/2/2023, gia đình bà Nhung tiếp tục nhổ toàn bộ cọc mốc bê tông ranh giới còn lại, tự ý dời hàng rào sang phần đất của tôi 2,4 m; làm thay đổi hiện trạng đất của tôi từ 8,0 m còn 5,6 m (phương ngang), làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất theo giấy chứng nhận đã cấp. Tôi đã báo cáo việc này với chính quyền địa phương, nhưng xã không xử lý được”, ông Thoàng bức xúc.

Nhận sai, nhưng không thể cưỡng chế

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư, hiện trạng ranh giới giữa 2 thửa đất của hộ ông Thoàng và bà Nhung đã biến động hoàn toàn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đó.

Bà Nhung đã tiến hành xây dựng nhà cấp 4 và trồng cây trên phần diện tích đang tranh chấp. Tranh chấp kéo dài liên quan đến các thửa đất này là nguyên nhân của những lần cãi vã, xô xát, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Huỳnh Hồng (thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn) - chủ cũ của 2 thửa đất trên kể, ông tách thửa đất lớn làm 3 lô, chia cho 3 người con gái, trong đó có thửa 857 cho con gái Vân Anh. Quá trình tách thửa, ông có sử dụng cọc bê-tông cắm thành một hàng dọc giữa các lô để làm mốc ranh giới. Các lô này đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Khi thấy bà Nhung tự ý nhổ hàng cọc bê-tông cũ, làm hàng rào thép lấn sang thửa đất của anh Thoàng, tôi có can ngăn, thôn cũng đã lập biên bản sự việc. Xã cũng có mời lên làm việc nhưng không giải quyết được tranh chấp”, ông Hồng nói.

Vì sao bà Nhung làm thay đổi hiện trạng, lấn mốc giới và làm trái với thông báo nhưng chính quyền xã không xử lý được?.

Ông Thoàng (áo đỏ) phải kêu cứu nhiều nơi để giải quyết tranh chấp trên thửa đất của mình.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho rằng, nguyên nhân chính là vì hiện trạng ranh giới các thửa đất không xác định được.

Theo ông Thu, ngày 23/3/2023, xã tổ chức buổi hòa giải lần 2 để giải quyết tranh chấp liên quan đến ông Thoàng và bà Nhung. Tuy nhiên, các bên không thống nhất thỏa thuận với nhau nên buổi hòa giải bất thành.

Vì vậy, UBND xã yêu cầu các bên phải nghiêm túc thực hiện theo đúng nội dung thông báo hoà giải lần 1. Ngoài ra, các bên phải hoàn trả lại hiện trạng trong phạm vi đất đang tranh chấp do tác động (nhổ cọc mốc, làm hàng rào, trồng trọt…) sau thời điểm có Thông báo số 175/TB-UBND của UBND xã Hoà Nhơn. Các bên cần phải xác định rõ đối tượng và tiến hành khởi kiện ra Toà án để được giải quyết dứt điểm nội dung tranh chấp.

“Trong cuộc họp lần 2, bà Nhung đã nhận sai khi làm trái với thông báo của xã. Tuy nhiên, vì không xác định được ranh giới giữa hai thửa đất nên cái khổ, cái khó của xã là không thể cưỡng chế vì chưa rõ ranh giới. Xã đề nghị các bên khởi kiện ra toà. Còn với nội dung phản ánh hộ bà Nhung xây dựng cơi nới trái phép, xây vượt diện tích được cho phép, xã sẽ lập tổ kiểm tra, tiến hành đo đạc, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định”, ông Thu giải thích.

Thông báo lần 2 của xã Hoà Nhơn về giải quyết tranh chấp trên, đã yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng trong phạm vi đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, đến này bà Nhung vẫn không chấp hành. Vì thế, ông Thoàng lại tiếp tục kêu cứu!

Tin liên quan
Tin khác