Ngân hàng - Bảo hiểm
Đà tăng chững lại, cổ phiếu ngân hàng vẫn hút nhà đầu tư
Vân Linh - 17/04/2018 10:18
Đang có những hoài nghi về khả năng tăng giá tiếp của nhóm cổ phiếu ngân hàng, điều này dễ hiểu bởi cổ phiếu các nhà băng sau đợt tăng giá mạnh đầu năm, hiện đang đi ngang.

Mặc dù tình hình chung là như vậy, nhưng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, không phải tên tuổi nào cũng đạt độ cao như giá cổ phiếu Vietcombank, TPBank và Techcombank (trên sàn OTC), nên nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu chưa tăng giá nhiều, dù mức độ “lạc quan” không còn cao như trước.

Techcombank dự kiến niêm yết vào ngày 4/6

Ông Lê Văn Hoa, một nhà đầu tư lâu năm trên sàn chứng khoán cho hay, đã khá lâu ông không quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng mà chỉ nhắm đến các mã chứng khoán trong lĩnh vực bán lẻ. Song gần đây, thị giá cổ phiếu nhóm ngành tài chính tăng (kể cả trên sàn niêm yết, UPCoM và đang giao dịch OTC) nên ông không muốn bỏ qua cơ hội kiếm lời.

Theo đó, ông Hoa tìm kiếm cổ phiếu của những nhà băng sắp niêm yết như TPBank và cổ phiếu của ngân hàng dự kiến niêm yết cuối năm như OCB, VIB để mua. Ông lý giải, giá cổ phiếu của những ngân hàng niêm yết trên sàn đã tăng khá cao trong thời gian qua và cơ hội đến với những cổ phiếu chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán đang còn nên đã quyết định xuống tiền, với kỳ vọng sau khi lên sàn, những cổ phiếu vua này sẽ có bước tăng giá hợp lý.

Cụ thể, TPBank sẽ chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào ngày 19/4 tới đây, với giá khởi điểm 32.000 đồng/cổ phiếu. OCB dự kiến lên sàn vào cuối năm nay. 

Có nhiều lý do để các nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc cổ phiếu vua sẽ tiếp tục đi lên, trong đó phải kể tới kết quả hoạt động của ngành ngân hàng năm qua với nhiều gam màu sáng và không ít nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh năm nay. Kết thúc quý I/2018, hầu hết các ngân hàng đã đưa ra con số lợi nhuận ấn tưởng khi đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng.

Đơn cử, MB đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm; HDBank đạt hơn 1.045 tỷ đồng. Các nhà băng khác cũng có kết quả ấn tượng như OCB đạt 600 tỷ đồng, TPBank hơn 500 tỷ đồng, VIB 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu kinh doanh các nhà băng đưa ra cho năm nay cũng trên dưới chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế như: VPBank, Techcombank, ACB, Vietcombank, HDBank lần lượt là 10.000 tỷ đồng; 10.100 tỷ đồng; trên 5.660 tỷ đồng; 12.000 tỷ đồng; gần 4.000 tỷ đồng. Chính điều này đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu vua.

Không chỉ các mã cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên sàn được nhà đầu tư để mắt tới mà ngay cả những cổ phiếu đang giao dịch trên OTC cũng được “săn đón”. Cụ thể, đợt đấu giá bán cổ phần còn lại tại OCB của Vietcombank đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, với 8 nhà đầu tư tổ chức và 669 nhà đầu tư cá nhân đăng ký. Tổng khối lượng đăng ký mua là 73.304.144 cổ phần, gấp hơn 11 lần so với lượng cổ phần mà Vietcombank muốn bán.

Theo kế hoạch, phiên đấu giá số cổ phần này sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/4/2018. Mới đây OCB đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, thông qua kế hoạch lãi 2.000 tỷ đồng trong năm nay, thể hiện mong muốn niêm yết cổ phiếu trên HOSE, đồng thời cũng có kế hoạch lập công ty tài chính và tăng thêm vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, từ mức 5.000 tỷ đồng hiện nay.

Chưa kể, một số cổ phiếu ngân hàng chuẩn bị niêm yết cũng được nhà đầu tư tìm kiếm như: Techcombank, VIB. Trong đó, cổ phiếu Techcombank đã tăng giá khá cao lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 13/4, Techcombank đã có đợt IPO thu hút nhiều quỹ lớn toàn cầu, với mục tiêu gọi vốn từ 864 - 922 triệu USD, giá chào bán vào khoảng 120.000 - 128.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, Quỹ Dragon Capital, Quỹ Chính phủ Singapore (GIC), và Quỹ Fidelity của Mỹ đều đang đàm phán để trở thành nhà đầu tư chủ chốt. Thương vụ này sẽ lớn hơn đợt IPO 700 triệu USD của Vincom Retail năm ngoái. Sau khi IPO, Techcombank dự kiến được định giá khoảng 6,1 - 6,5 tỷ USD, nằm trong nhóm 10 công ty niêm yết lớn nhất trong nước.

Tháng 3/2018 vừa qua, Warburg Pincus của Mỹ cũng đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD vào Techcombank, trở thành thương vụ đầu tư cổ phần tư nhân lớn nhất của quỹ này tại Việt Nam.

Nhờ nhu cầu lớn, các nhà đầu tư chủ chốt chiếm đến khoảng 76% cổ phần IPO được phân bổ, cao hơn nhiều so với các đợt IPO khác. Hạn chót của đợt chốt giá dựng sổ trong đợt IPO là 23/4 và Techcombank dự kiến niêm yết vào ngày 4/6.

Trước Techcombank, HDBank cũng đã thu về hơn 300 triệu USD trong đợt bán hơn 21% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết chính thức trên sàn vào đầu năm 2018. Một số nhà băng khác như TPBank, OCB cũng cho biết, sẽ sớm chốt room ngoại với đối tác chiến lược nước ngoài trước và sau khi lên sàn.

Tin liên quan
Tin khác