Vàng miếng SJC tiếp tục giảm thêm hơn 6 triệu đồng/lượng
Sau tuần giảm sốc “bốc hơi” 6,5 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC tuần này rơi mạnh đầu tuần và tiếp tục đi lùi chậm rãi theo nhịp giảm của giá bán vàng miếng SJC do NHNN bán ra. Tính chung trong cả tuần, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết tại mức 74,98 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra), đồng loạt giảm 6,02 triệu đồng/lượng.
Tuần vừa qua đánh dấu tuần đầu tiên NHNN sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế bằng cách bán vàng trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại nhà nước, thông qua mạng lưới của nhóm Big4 ngân hàng để sẵn sàng để bán vàng cho người dân. Giá bán vàng miếng SJC của NHNN ở phiên gần nhất là 75,98 triệu đồng/ lượng, giảm 4 triệu đồng/lượng so với giá bán ra công bố ngày đầu tiên (chiều 3/6).
“Chiến thuật” mới phát huy hiệu quả trong điều hành giá vàng, khác với phương thức đấu thầu bán vàng miếng cho các đơn vị kinh doanh vàng với giá đặt cọc dựa trên diễn biến thị trường đã áp dụng trong hơn một tháng trước đó.
Hoạt động bán vàng đã tạm nghỉ trong hai ngày cuối tuần do các điểm giao dịch vàng miếng của 4 ngân hàng không mở cửa thứ Bảy và Chủ Nhật. Các cơ sở của SJC cũng thông báo tạm ngưng bán vàng miếng trong ngày 8/6 và 9/6.
Diễn biến giá vàng miếng SJC 1 tháng gần đây - Nguồn: Giavang |
Tại các cửa hàng vàng, giá bán ra cũng niêm yết ở mức tương tự. Tuy nhiên, các ngày qua, tiệm vàng liên tục thông báo không bán mà chỉ mua vào. Giá thu mua vàng miếng tại Phú Quý và Bảo tín Minh Châu là 75,5 triệu đồng/lượng, nhỉnh hơn 600.000 đồng mỗi lượng so với giá mua tại SJC, PNJ hay DOJI.
Sản phẩm vàng nhẫn không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động bình ổn giá vàng miếng nhưng cũng có một tuần giảm sâu do xu hướng đảo chiều của thị trường thế giới. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) tiếp tục hạ giá 1,5 triệu đồng/lượng so với thời điểm một tuần trước đây. Trong đó, chỉ riêng sáng thứ Bảy, giá vàng nhẫn tại SJC đã giảm 900.000 đồng/lượng. Giá mua vào giảm còn 72,6 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra là 74,2 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới giảm liên tiếp trong 3 tuần gần đây. |
Hiện giá vàng giao ngay giảm mạnh chỉ còn 2.292 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York cũng tụt còn 2.311 USD/ounce. Đây đã là tuần thứ ba liên tiếp vàng thế giới đi lùi. Tính từ mức đỉnh kỷ lục 2.450 USD/ounce thiết lập hôm 20/5, giá vàng đến nay đã “bốc hơi” 6% từ đỉnh.
Tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng cũng lập đỉnh vào trung tuần tháng 5/2024 nhưng đến nay đã giảm 2,8%. Giá vàng giao dịch tại sàn Thượng Hải hiện là 559,6 nhân dân tệ/gram.
Số liệu cập nhật về giá trị giao dịch ròng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 7/6 cho ngân hàng trung ương này không mua vàng để bổ sung vào kho dự trữ trong tháng 5, qua đó dứt chuỗi 18 tháng liên tiếp mua vàng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến vàng thế giới có một phiên “rớt thảm” tối thứ Sáu vừa qua.
Nhờ các phiên giảm đều đặn từ đầu tuần của vàng miếng SJC trước đó, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới quy đổi dù nới thêm do vàng thế giới giảm mạnh vẫn chỉ ở mức thấp so với trước đây, xấp xỉ 5,5 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải. |
Xếp hàng dài gom vàng: Có hiện tượng thuê xếp hàng, Big 4 mở thêm nhiều điểm giao dịch
Thị trường vàng miếng đã giảm rất sâu về giá. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý khác của tuần qua là tình trạng người dân đổ xô đến xếp hàng dài tại các điểm giao dịch bất chấp thời tiết không thuận lợi, đặc biệt trong những ngày đầu tuần. Nhiều người đứng xếp hàng từ sớm nhưng vẫn chật vật khó mua khi phải lấy số, chờ xếp hàng. Một số ngân hàng cho phép người dân đặt cọc. Như tại Vietcombank, khách hàng có thể đặt cọc trước với giá trị tương đương 10% giá trị đặt mua và sẽ không hoàn cọc nếu khách hàng đổi ý không mua. Quy định này thực tế sẽ buộc người mua cẩn trọng hơn khi quyết định “xuống tiền” mua vàng, nhất là nếu tính đặt mua với số lượng lớn.
Rất đông người dân chờ mua vàng SJC tại điểm bán trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Vietcombank là ngân hàng có nhiều điểm bán vàng nhất trong nhóm Big4. Cuối tuần vừa rồi, Vietcombank đã mở thêm 4 điểm bán vàng SJC cho người dân, nâng số điểm giao dịch lên 10 điểm trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM.
Thông báo mới đây của Agribank cũng cho biết sẽ mở thêm 5 điểm bán vàng miếng SJC tại các chi nhánh, phòng giao dịch ở TP.HCM và Hà Nội, nâng tổng số điểm bán vàng miếng lên 9 điểm.
Hiện 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC, không thực hiện mua vàng. Khách hàng giao dịch trong khoảng thời gian từ 09h00 đến 11h30 sáng và từ 13h30 đến 16h00 chiều. Ngay từ đầu, lãnh đạo các nhà băng khẳng định việc bán vàng sẽ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi gom mua vàng kéo theo số lượng vàng giao dịch lớn đang góp một phần thu nhập đến cho các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, bù đắp phần các chi phí phát sinh và chi phí cơ hội khi ngân hàng chuyển sang dành nguồn lực cho hoạt động này.
Theo cập nhật mới nhất từ Vietcombank, đến sáng thứ Sáu (ngày 7/6), ngân hàng này đã phục vụ 1.500 khách hàng, với số lượng vàng đã bán trên 10.000 lượng. Như vậy, chưa kể trường hợp nhà đầu tư bỏ cọc, nhà băng này đã thu về thêm hơn 10 tỷ đồng nhờ giá bán ra cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá nhập từ NHNN.
Trong thông báo phát đi tuần qua, NHNN chỉ ra việc có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng tại nhiều điểm bán vàng,với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. NHNN cho biết đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Phía NHNN khẳng định sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng, bên cạnh việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân.