Công an TP.HCM khám xét Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-05V - chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM) Ảnh: Vũ Quyền |
Nhận hối lộ để… chung chi với cấp trên
Những sai phạm xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm chủ yếu liên quan đến việc nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi của xe khi đến làm thủ tục đăng kiểm.
Chẳng hạn, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V (trụ sở chính ở số 107 - đường Phú Châu, phường Tam Bình, TP. Thủ Đức), năm 2016, ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm, có quy định cấm các đăng kiểm viên nhận tiền của chủ phương tiện khi đến kiểm định.
Thế nhưng, từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2022, để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định mà Cục Đăng kiểm Việt Nam giao, đồng thời để tăng thêm thu nhập cho nhân viên và có tiền “chung chi” cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Văn Chủ đã “quay xe” khi cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm, chủ phương tiện và đối tượng môi giới để bỏ qua lỗi của phương tiện trong quá trình kiểm định.
Sau khi được Giám đốc “bật đèn xanh”, các đăng kiểm viên đã lợi dụng sơ hở trong khâu quản lý các công đoạn kiểm định thủ công, bằng kinh nghiệm, để tác động bỏ qua các lỗi khi kiểm định. Theo đó, các chủ xe du lịch 4-7 chỗ ngồi phải chi 100.000 đồng/xe để được bỏ qua các lỗi. Tương tự, số tiền đối với xe tải là 200.000 đồng/xe; xe sơ mi rơ mooc cũng là 200.000 đồng/xe; xe đầu kéo là 300.000 đồng/xe.
Rất nhiều chủ phương tiện đã phải chi khoản tiền hối lộ này. Đơn cử, trường hợp diễn ra tại Công ty Shanloong Logistics (địa chỉ số 9 - đường Hồng Đức, phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức), ngày 22/2/2022, quản lý điều hành đội xe của công ty này đã đưa 10 xe đầu kéo đến đăng kiểm tại Chi nhánh 1, Trung tâm Đăng kiểm số 50-03V.
Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đã hoàn tất và chuyển Kết luận điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM để truy tố các bị can có liên quan. Vụ việc được phát hiện năm 2022 tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Trong vụ án này có 254 bị can bị đề nghị truy tố nhóm 11 tội danh: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản.
Khi đến đăng kiểm, nhân viên Công ty Shanloong Logistics liên hệ với Lê Mùi (chủ xưởng sửa chữa gần Trung tâm Đăng kiểm 50-03V) để nhờ hỗ trợ thì được biết, ngoài phí đăng kiểm xe theo quy định, mỗi xe đầu kéo phải đưa thêm 300.000 đồng cho Trung tâm Đăng kiểm để xe được đăng kiểm nhanh và bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Nhân viên Công ty Shanloong Logistics đồng ý và trực tiếp đưa cho Mùi 3 triệu đồng để “đẩy nhanh tiến độ” đăng kiểm. Sau khi nhận tiền, Mùi đưa toàn bộ số tiền này cho Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng dây chuyền số 1, (là người tập hợp tiền từ các đăng kiểm viên trong chuyền và chia cho Giám đốc, Phó giám đốc, đăng kiểm viên trong chuyền). Quả nhiên, phương tiện của Công ty Shanloong Logistics được kiểm định rất nhanh.
Mấy tháng sau, ngày 18/8/2022, nhân viên của Công ty Shanloong Logistics lại đưa số xe trên đến để kiểm định và liên hệ với Mùi. Lần này, số tiền mà Công ty phải chi cho Mùi là 5 triệu đồng, song Mùi chỉ đưa cho bên đăng kiểm 3 triệu đồng.
Khi cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành làm việc với những tài xế trực tiếp điều khiển 10 xe đầu kéo của Công ty Shanloong Logistics đi đăng kiểm, các tài xế đều xác định, những chiếc xe này đều có lỗi không đạt, nhưng vẫn được đăng kiểm đạt.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V. Để có tiền đưa cho các lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhằm không gây khó khăn trong công việc, đồng thời tăng thêm thu nhập cho các đăng kiểm viên và nhân viên của Trung tâm, Giám đốc Trung tâm là Nguyễn Đình Quân đã đưa ra chủ trương cho các đăng kiểm viên nhận tiền “bồi dưỡng” của người đi đăng kiểm để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định.
Từ khi có chủ trương, Phạm Ngọc Hà và Khuất Duy Thịnh (đều là Phó giám đốc phụ trách) cùng với các trưởng dây chuyền phổ biến cho các đăng kiểm viên thực hiện. Việc nhận hối lộ của người đi đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V diễn ra từ năm 2014 đến tháng 12/2022.
“Quy trình” nhận tiền
Sau khi Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đưa ra chủ trương, thì nhân viên tại các chuyền kiểm định nhiệt tình giúp sức trong việc nhận hối lộ của người đi đăng kiểm để bỏ qua lỗi và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Họ phân công cho đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ nhận tiền hối lộ của người đi đăng kiểm.
Quy trình nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm được vạch ra rất chi tiết và cụ thể. Đầu tiên, đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ lên cabin xe kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào vị trí như cần gạt số, hộp đựng đồ trên cabin xe, trong bao thuốc lá để trên cabin… hay không. Số tiền thường là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Nếu có, đăng kiểm công đoạn 1 sẽ lấy, hoặc người đi đăng kiểm đưa trực tiếp thì đăng kiểm viên là người nhận. Sau đó sẽ thông báo cho nhau biết thông qua hành động bật đèn ra hiệu để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Trường hợp khách có để tiền trên xe, các đăng kiểm viên sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt của phương tiện và kiểm định đạt ngay lần kiểm định đầu tiên. Ngược lại, nếu khách không để tiền trên xe, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi và in phiếu kiểm định lần 1 không đạt, yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này rồi mới cho kiểm định lại lần 2. Lúc này, các chủ phương tiện sẽ không mang xe ra ngoài sửa chữa, mà liên hệ trực tiếp với đăng kiểm viên trong chuyền, đưa hối lộ từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2.
Đăng kiểm viên của công đoạn không đạt sẽ trực tiếp lấy tiền hoặc phân công một đăng kiểm viên khác lấy tiền mà chủ phương tiện đã để trên xe để bỏ qua lỗi, rồi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Ngoài ra, các đăng kiểm viên còn móc nối với các đối tượng môi giới, thậm chí là từ bảo vệ của Trung tâm để nhận tiền hối lộ của người đi đăng kiểm. Số tiền hối lộ nhận được sẽ được trưởng dây chuyền tổng hợp, đến cuối ngày sẽ chia theo tỷ lệ quy định từ trước.
Đủ chiêu “phù phép” hồ sơ
Để hợp thức hóa hồ sơ đối với những phương tiện không đáp ứng yêu cầu, các đăng kiểm viên có đủ phương thức để biến không thành có.
Lấy ví dụ tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V, các đăng kiểm viên là Nguyễn Trọng Nghĩa, Vũ Văn Nguyên và Trần Phương Vũ được phân công nhiệm vụ nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo.
Do chủ phương tiện tự “cơi nới” tại các cơ sở không được cấp phép thi công, cải tạo, nên không được cấp hồ sơ xuất xưởng (gồm Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo) và không thể nghiệm thu được.
Do đó, các chủ phương tiện đã liên hệ, thỏa thuận đưa tiền hối lộ cho đăng kiểm viên để hợp thức hồ sơ xuất xưởng và tiến hành nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
Vì có quen biết với Nguyễn Bá Chiêu là Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Hiền Phước, nên đăng kiểm viên Nguyễn Trọng Nghĩa đã thỏa thuận với Chiêu làm khống hồ sơ xuất xưởng cải tạo để hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo.
Chiêu đưa sẵn mẫu Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo cho Nghĩa để điền thêm nội dung rồi in ra. Sau đó, Chiêu mang theo con dấu của Công ty Ô tô Hiền Phước đến ký và đóng dấu vào tài liệu trên. Mỗi hồ sơ cải tạo miễn thiết kế, Nghĩa nhận hối lộ 1 triệu đồng/phương tiện, đưa cho Chiêu 200.000 đồng/phương tiện.
Đối với phương tiện cải tạo có thiết kế, phần lớn khi nghiệm thu tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V không có sự tham gia của đại diện cơ sở thi công, nên chủ phương tiện phải đưa cho Nghĩa số tiền 1,5 triệu đồng/phương tiện để được nghiệm thu. Các đăng kiểm viên sẽ giả chữ ký của đại diện cơ sở thi công để hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu.
Điều này cũng diễn ra tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V. Đối với phương tiện cải tạo miễn thiết kế, các đăng kiểm viên của Trung tâm sẽ làm việc với Lương Duy Tựu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Cơ khí ô tô Liên Tựu (đơn vị có chức năng thi công cải tạo), để mua hồ sơ do Tựu ký khống trên tờ giấy A4 trắng, nhằm hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu với số tiền 250.000 đồng/bộ.
Còn đối với phương tiện cải tạo có thiết kế, khi nghiệm thu, các đăng kiểm viên sử dụng tài liệu giả để thực hiện nghiệm thu 245 phương tiện cải tạo có bản vẽ thiết kế do Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định thiết kế. Khi nghiệm thu cải tạo các phương tiện có thiết kế, thì các đăng kiểm viên nhận hối lộ của chủ phương tiện từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng ngoài các loại phí theo quy định.
Tại cơ sở An Phú Đông của Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, đăng kiểm viên được phân công phụ trách nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo còn móc nối, nhận hối lộ của người phụ trách đăng kiểm xe của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quốc tế Á Châu, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp An Thái… để hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu cải tạo với giá 700.000 đồng/hồ sơ phương tiện miễn thiết kế.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm đăng kiểm đều biết và cho phép thực hiện việc này. Sau khi chia tiền cho các đầu mối bên ngoài, thì số tiền đăng kiểm viên nhận hối lộ sẽ được chia đều cho Giám đốc, Phó giám đốc và các nhân viên của trung tâm.