Tại kết luận điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan" (gọi tắt đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2), C03 cho rằng, việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 4 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra giai đoạn 2018 - 2020 là các gói trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không tài sản đảm bảo. Cả 4 công ty đều không phải là công ty đại chúng.
Tại các nghị định của Chính phủ thời điểm trên không giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, giám sát hoạt động chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các công ty không phải là công ty đại chúng, hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi/không kèm chứng quyền của công ty đại chúng.
Các doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phải đăng ký/chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà từ thời điểm 1/2/2019 (thời điểm có hiệu lực của Nghị định 163/2018/NĐ- CP) thực hiện theo cơ chế công bố thông tin, theo đó, tổ chức phát hành có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư theo quy định và gửi nội dung công bố thông tin cho HNX để tổng hợp và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.
Việc phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu này và giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty căn cứ vào mô hình tổ chức của doanh nghiệp, quy định tại Điều lệ doanh nghiệp. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. |
Vì vậy, theo C03, việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 4 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra diễn ra trong giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện theo Nghị định 90/2011/NĐ-CP và của Setra diễn ra vào năm 2020 thực hiện theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP không thuộc quản lý giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, không phải nộp hồ sơ đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; không phải đăng ký, không phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX chấp thuận; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX không có thẩm quyền thanh, kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các doanh nghiệp này nên không có cơ sở phát hiện dấu hiệu bất thường trong việc phát hành .
Đối với thẩm quyền tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trên cơ sở tiếp nhận dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức phát hành từ HNX chuyển, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề nghị HNX rà soát, xác định vi phạm để xử lý. Sau khi HNX rà soát, xác định vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức phát hành thông báo kết quả giám sát của HNX, yêu cầu giải trình, đến làm việc để lập biên bản vi phạm hành chính nhưng các tổ chức không chấp hành, không đến làm việc, không phản hồi.
Để giải quyết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu HNX rà soát, xác định rõ vi phạm của các tổ chức phát hành, cử cán bộ trực tiếp đến trụ sở của các tổ chức phát hành để làm việc, phối hợp với UBND phường nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để xác minh tình hình hoạt động. Căn cứ biên bản vi phạm hành chính đã lập, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 3 quyết định xử phạt với mức phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với 3 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World về hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Từ đó C03 kết luận "Ủy ban Chứng khoán Nhà nướcvà HNX đã thực hiện đúng theo chức trách, nhiệm vụ được giao và chưa phát hiện thấy vi phạm của bất cứ đơn vị, cá nhân tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX".