VIMICO hiện tại là doanh nghiệp được xếp vị trí hàng đầu trong nước về khai thác, tuyển luyện, gia công chế biến khoáng sản kim loại màu và kim loại quý hiếm như: đồng, thiếc, kẽm, chì, vàng, bạc...
So với các doanh nghiệp khác, VIMICO có khả năng chế biến sâu (đồng, kẽm, thiếc kim loại) với quy mô lớn, sở hữu quy trình công nghệ tiên tiến gắn liền từ khâu khai thác đến chế biến sâu ra sản phẩm cuối cùng như đồng tấm, vàng nguyên liệu,...
VIMICO có quy mô vốn lên tới 2.000 tỷ sau cổ phần hóa |
Tính tại thời điểm ngày 31/12/2014, VIMICO góp vốn tại 14 công ty con, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, khách sạn và vận tải hành khách, kinh doanh vật tư, thiết bị ngành mỏ và dịch vụ quản lý bất động sản.
Ngoài ra, VIMICO còn có 4 công ty liên kết hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và chế biến, khai thác khoáng sản.
Tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại VIMICO vào thời điểm ngày 01/04/2014 là hơn 2.001 tỷ đồng. Tổng Công ty dự kiến vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 2.000 tỷ đồng.
Trong phiên IPO tới, VIMICO sẽ bán đấu giá công khai hơn 46,6 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương với 23,3% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
VIMICO đang quản lý trực tiếp hai mỏ khoáng sản Đồng tại Mỏ đồng Sin Quyền, Vi Kẽm (Lào Cai) có trữ lưỡng hơn 253,7 nghìn tấn.
Ngoài ra, các công ty con của VIMICO hiện quản lý nhiều mỏ tài nguyên phong phú như: Khoáng sản Chì Kẽm tại Mỏ kẽm chì Chợ Điền (Bắc Cạn), Lang Hít, Cúc Đường (Thái Nguyên) với tổng trữ lượng gần 1,1 triệu tấn quặng.
Khoáng sản Thiếc trữ lượng 244,1 nghìn tấn tại Suối Bắc, Quỳ Hợp, Bản Cô (Nghệ An); gần 2,1 triệu tấn khoáng sản Sắt tại Nà Rụa, Nà Lũng (Cao Bằng), Kíp Tước (Lào Cai); hơn 100 nghìn tấn khoáng sản Vàng tại Minh Lương, Sa Phìn (Lào Cai) và các khoáng sản khác như volfram (Thiện Kế - Tuyên Quang).
Các mỏ khoáng sản do hệ thống các công ty thuộc VIMICO quản lý còn có mỏ đất hiếm (Đông Pao – Lai Châu), antimon (Làng Vài – Tuyên Quang), đá trắng (Châu Lộc, Châu Cường 3, Bản Hạt – Nghệ An).
Hiện nay, VIMICO đang quản lý, sử dụng và xin cấp mới 43 lô đất tại nhiều địa phương với tổng diện tích lên tới hơn 10 triệu m2.
Cụ thể, tại Hà Nội, Tổng Công ty đang sử dụng hơn 5,2 nghìn m2 đất thuê hàng năm thuộc phố Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) làm văn phòng và cơ sở sản xuất.
Công ty còn có 3,6 nghìn m2 đất tại Lào Cai; 65,1 nghìn m2 đất tại Thái Nguyên và 4,7 nghìn m2 đất tại Nam Định phục vụ làm văn phòng, nhà ở cán bộ công nhân viên, cơ sở sản xuất và làm trung tâm điều trị bệnh nghề và phục hồi chức năng, trong đó có 1 lô đất được giao không thời hạn làm văn phòng chi nhánh.
Doanh thu của VIMICO chủ yếu có được từ sản phẩm đồng tấm (hàm lượng 99,95% Cu), chiếm tỷ lệ bình quân doanh thu hơn 45% trong giai đoạn năm 2011 – 2014. Đây cũng là sản phẩm đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận trước thuế cho VIMICO.
Đứng thứ hai là doanh thu kinh doanh khoáng sản từ công ty con, chiếm bình quân 30% trong 4 năm gần đây với hai sản phẩm chủ yếu là thiếc thỏi và kẽm thỏi. Chiếm tỷ trọng khiêm tốn là doanh thu sản phẩm vàng (hàm lượng 99,9% Au) với bình quân 11%.
Doanh thu thuần từ năm 2011 - 2014 của VIMICO lần lượt đạt 3.214 tỷ đồng, 2.454 tỷ đồng, 3.141 tỷ đồng và 3.129 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 227 tỷ đồng, 121 tỷ đồng, 115 tỷ đồng và 101 tỷ đồng. ROE trong 4 năm là 15,2%; 7,6%; 8,2% và 6,9%.
Sau cổ phần hóa, VIMICO định hướng hình thành các tổ hợp hoặc trung tâm khai thác mỏ kim loại – luyện kim đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại bao gồm cả công nghiệp phụ trợ có quy mô phù hợp với quy mô trữ lượng khoáng sản của từng cụm mỏ, vùng mỏ hoặc khu vực, nhất là tại vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.
VIMICO sẽ tập trung khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, đặt trọng tâm là quặng đồng, quặng sắt, quặng kẽm, đất hiếm và quặng titan, đồng thời hiện đại hóa hoặc xây mới các cơ sở luyện kim với công nghệ hiện đại tại các vùng tập trung mỏ khoáng sản.
Cụ thể, VIMICO sẽ triển khai thực hiện các chương trình đầu tư trọng điểm bao gồm: Dự án khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai với tổng mức đầu tư là hơn 2.566 tỷ đồng; Dự án mở rộng nâng công suất nhà máy luyện đồng Lào Cai được đầu tư trên 3.955 tỷ đồng và Dự án khai thác mỏ đồng Vi Kẽm – Bát Xát – Lào Cai có nức đầu tư đạt 594 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trong giai đoạn tới từ năm 2015 đến năm 2017, doanh thu của VIMICO ước đạt từ 4.326 tỷ đến 5.840 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế lần lượt là 55,3 tỷ đồng; 106,9 tỷ đồng và 106,7 tỷ đồng; ROE đạt 3%, 6% và 6%. Tỷ lệ trả cổ tức trong 3 năm là 2%, 4% và 4%.
Chí Tín