Hình thành hệ thống trạm xăng Idemisu Q8
Trạm xăng dầu đầu tiên, 100% vốn đầu tư nước ngoài của Idemisu Q8 đã chính thức được khai trương tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, mở màn cho kế hoạch khai trương nhiều trạm kinh doanh bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu IQ8 trên lãnh thổ Việt Nam.
IQ8 vốn là Công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản.
. |
Từ nhiều năm nay, mảng kinh doanh bán lẻ xăng dầu chỉ có các doanh nghiệp trong nước độc chiếm, nhưng nay thì đã khác, thị trường đã đón thêm nhà đầu tư ngoại cùng tham gia. Thị trường bán lẻ xăng dầu được dự báo sẽ có những động thái mới, có lợi hơn cho khách hàng.
Bởi vậy, không quá khi cho rằng, sự xuất hiện của nhân tố mới này đã khắc dấu ấn vào kỷ nguyên mới của ngành xăng dầu Việt Nam, khi 2 đối tác trong Liên doanh là Kuwait Petroleum và Idemitsu đều là 2 tên tuổi lớn đã gặt hái được nhiều thành công trong ngành kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại châu Âu, Nhật Bản và họ đã xuất hiện khi nhận thấy cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 cho biết, Liên doanh xăng dầu IQ8 đặt mục tiêu phát triển ngành nghề kinh doanh xăng dầu chuyên nghiệp và bài bản tại thị trường Việt Nam.
ldemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil). Còn Kuwait Petroleum International Ltd có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu và là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait.
Thông qua việc thành lập Liên doanh phân phối xăng dầu, Idemitsu và Kuwait sẽ cung cấp nguồn cung sản phẩm ổn định cho thị trường đang tăng trưởng của Việt Nam, nơi nhu cầu cho các sản phẩm xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thực tế, Idemitsu Kosan đã kinh doanh thăm dò dầu khí ở Việt Nam từ những năm 1990. Gần đây, nhà đầu tư này đã tham gia vào Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) và một số hoạt động kinh doanh dầu nhờn trên toàn quốc.
Ông Ghanim Al Otaibi, Chủ tịch Công ty TNHH Xăng dầu IQ8, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á, Công ty TNHH Dầu khí Kuwait cho biết, trạm xăng của IQ8 tại Hà Nội mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình phát triển và mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Trong thời gian tới, IQ8 sẽ góp phần tạo nên một nền tảng đặc biệt về dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, bao gồm cả cung cấp và bán lẻ ở những thị trường mới nổi trong khu vực vành đai Thái Bình Dương.
Cú hích hoàn thiện dịch vụ cung ứng xăng dầu
Để khẳng định sự nổi trội của thương hiệu IQ8, ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 cho biết, IQ8 sẽ áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động tại trạm xăng dầu, cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Trạm xăng dầu được thiết kế và trang bị các công nghệ mới nhất, bao gồm: bể chứa nhiên liệu 2 lớp, hệ thống đường ống dẫn bằng vật liệu tổng hợp nhằm ngăn chặn tối đa việc rò rỉ nhiên liệu gây tác động môi trường.
Sự xuất hiện của Idemisu Q8 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là cú hích để thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước thực sự cạnh tranh và các dịch vụ được hoàn thiện hơn. Nhưng, liệu đó có là mối lo ngại cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong nước?
Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư mới vào thị trường xăng dầu sẽ là động lực để các doanh nghiệp hoàn thiện dịch vụ và mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế trên thị trường bán lẻ xăng dầu từ mười năm trước và sẵn sàng tham gia cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp như Liên doanh IQ8”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, nguồn vốn tuy là một lợi thế trong kinh doanh, nhưng với mảng xăng dầu thì không chỉ hoàn toàn là vốn, đi kèm theo đó là rất nhiều yếu tố khác như thời gian tham gia thị trường, phát triển mạng lưới, sở hữu địa điểm…
Cần phải nói thêm, hiện Petrolimex chiếm 44% thị phần xăng dầu cả nước, trong đó tỷ trọng bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng ở ngưỡng trên 50%; bán trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp khoảng 20% và có kinh nghiệm trên 50 năm chỉ kinh doanh mặt hàng xăng dầu nên có nhiều lợi thế về thị trường.
Thực tế, khi các đại gia ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp trong nước và gia tăng mức độ cạnh tranh. Ngoài ra, sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu công khai, minh bạch và công bằng hơn.
Phân tích của một số doanh nghiệp xăng dầu nội cho thấy, nhiều năm qua, nhà đầu tư nước ngoài rất thèm khát thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, bởi dư địa để phát triển còn rất lớn, nếu tính theo mức tiêu thụ xăng trên đầu người, cũng như khả năng phát triển của nền kinh tế.
Số liệu từ thống kê nhập khẩu và từ Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho thấy, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm, trong đó 65% được nhập khẩu.