Chia sẻ thêm về việc thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện của LIX cho biết, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện nắm 51% vốn góp, theo kế hoạch được phê duyệt, thì lộ trình thoái vốn là trong năm 2019 và sẽ giảm sở hữu xuống 36%.
Lộ trình thoái vốn nhà nước tại LIX trong năm 2019 sẽ giảm sở hữu xuống 36% |
Ông Cao Thành Tín, Tổng giám đốc của LIX cho biết, trong năm 2019, định hướng phát triển của Công ty là ngoài thị trường miền Nam sẽ tập trung hơn tại các thị trường miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.
Về việc đầu tư trong năm 2019 cho các nhà máy, ông Tín cho biết, Công ty sẽ đầu tư thêm máy móc và giảm tối đa lãng phí và tiếp tục làm gia công cho Unilever. Tổng mức đầu tư là 32 tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư 12 tỷ đồng cho nhà máy Thủ Đức (TP.HCM), 20 tỷ đồng cho nhà máy tại Bình Dương. Với khoản đầu tư trên, công suất của một số dây chuyền sẽ tăng lên gấp 3 lần và giúp tăng tính tự động hóa hơn trong sản xuất.
Nhà máy tại Thủ Đức có công suất 120.000 tấn bột giặt/ năm và đang hoạt động 85% công suất. Nhà máy Bắc Ninh là 50.000 tấn bột giặt và 15.000 chất tẩy rửa lỏng (bao gồm nước giặt) hiện mới đang hoạt động 30% công suất và LIX đang đàm phán thực hiện gia công cho Unilever.
Với nhà máy Bình Dương, sau khi đầu tư sẽ tăng công suất là từ 145.000 tấn lên 160.000 tấn.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về các mặt hàng mới mà LIX sẽ sản xuất, ông Hoàng Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT của LIX cho biết, Nhà máy Bình Dương đã có giấy chứng nhận sản xuất mỹ phẩm. Trong kế hoạch đầu tư 2018 đã có kế hoạch đầu tư các dòng sản phẩm chăm sóc cơ thể, trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản phẩm khác.
Hiện nay, LIX đã có sản phẩm sữa tắm, dầu gội và sắp tới là các loại mỹ phẩm. Công ty đang cử nhân viên sang nước ngoài để đào tạo về các ngành hàng chăm sóc cơ thể.
“Công ty đã có sản phẩm sữa tắm, dầu gội và sắp tới là các loại mỹ phẩm. Công ty đang cử nhân viên sang nước ngoài để đào tạo về các ngành hàng chăm sóc cơ thể”, ông Thắng cho biết.
HĐQT của LIX đặt kế hoạch lợi nhuận doanh thu năm nay là 2.400 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018 nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 4% xuống 180 tỷ đồng để tập trung cho công tác quảng cáo.
Về chi phí cho kênh bán hàng truyền thống (chiếm tỷ trọng 43% tổng doanh thu), so với các kênh hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart, Satra, Bách Hóa Xanh… (chiếm tỷ trọng 28% tổng doanh thu), đại diện Công ty cho biết là tương đương và LIX sẽ đẩy mạnh ở kênh hiện đại.
“Về tỷ lệ chiết khấu đang ở 20-30% trên giá ở kênh hiện đại. Mỗi kênh đều có chính sách khác nhau. Đối với kênh bán hàng truyền thống sẽ phải khuyến mãi cho người tiêu dùng và đại lý, nên xét 2 kênh bán hàng thì hiệu quả, chi phí tương đương nhau”, ông Thắng nói.
Theo đại diện của LIX, về chi phí năm 2018 cao là do cháy nhà máy hương liệu ở Đức, khiến cho tất cả các công ty sản xuất trên thế giới đều bị tăng chi phí nguyên liệu lên 15%/ năm. Ngoài ra 2 nhà máy khác cung cấp hương liệu cho LIX cũng bị cháy, dù hiện các nhà máy đã hoạt động lại nhưng vẫn không đủ cung cấp lượng hương liệu bị thiếu hụt thời gian trước do đơn hàng dồn…Dự báo, giá hương liệu có thể tiếp tục cao trong năm nay.
Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình do HĐQT trình, trong đó thống nhất về định hướng giảm một phần lợi nhuận để đẩy mạnh hoạt động marketing với tổng chi phí là 15 tỷ đồng, gấp 3 lần 2018.