Tài chính - Chứng khoán
Đại hội Habeco: "Chưa có hợp đồng nào về dự án tại 183 Hoàng Hoa Thám"
Chí Tín - 28/06/2018 14:23
Ngày 28/6, Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN, sàn HOSE) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
Ban kiểm soát đề nghị Tổng công ty thực hiện việc thu hồi nợ tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Nghệ An

Trả lời câu hỏi của các cổ đông về việc có thông tin đã có đối tác đến làm việc và ký hợp đồng hợp tác với Habeco để triển khai Dự án tại khu đất 183 Hoàng Hoa Tham sau khi Nhà máy bia di dời sang Vĩnh Phúc, ông Trần Đình Thanh, Chủ tọa Đại hội cho biết, hiện Tổng công ty chưa ký hợp đồng với đối tác nào đối với khu đất 183 Hoàng Hoa Thám.

Theo ông Thanh, theo quy hoạch chung của Hà Nội thì khu vực nhà máy hiện tại không được sản xuất mà là khu quy hoạch công viên, công trình công cộng.

Theo đó, Habeco đã có kế hoạch di dời Nhà máy sang Mê Linh, Vĩnh Phúc. Ông Thanh cũng xác nhận cũng có đối tác đến khảo sát, nhưng chưa ký hợp tác nào với Habeco vì nếu có Dự án thì Habeco phải xin phép sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền.

Năm 2018, Habeco đặt mục tiêu tiêu thụ 500 triệu lít sản phẩm, tăng 3,7% so với năm 2017.

Trong đó, bia các loại đạt 496,3 triệu lít, tăng 3,6 so với năm 2017l nước uống đóng chai UniAqua đạt 3,7 triệu lút, tăng 28,3% so với năm 2017.

Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính dự kiến đạt 8.895 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 1.001,8 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2017; cổ tức dự kiến 20%.

Theo đánh giá cua Habeco, dự báo năm 2018, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ sự gia tăng hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, ngân hàng và dịch vụ. Môi trường đầu tư cải thiện, hội nhập kinh tế sâu rộng.

Tuy nhiên, Habeco cũng phải đối mặt những khó khăn như cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành gay gắt, giá cả các yếu tố đầu vào biến động phức tạp… Việc thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các chích sách hạn chế tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty.

Trước đó, năm 2017, sản lượng tiêu thị bia các loại của Habeco chỉ bằng 91% so với cùng kỳ và đạt 88,4% kế hoạch năm.

Sản lượng bia các loại giảm chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng của sản phẩm bia chai 450 đỏ.

Cụ thể, sản phẩm bia chai 450 đỏ năm 2017 của Habeco giảm 60 triệu lít, chỉ bằng 75,9% so với năm 2016. Tỷ trọng tiêu thụ bia chai 450 đỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ bia thương hiệu Hà Nội đã giảm từ 47,7% năm 2016 xuống còn 39,6% năm 2017. Tốc độ tiêu thụ sụt giảm trên toàn bộ 32 thị trường so với cùng kỳ.

Ông Thanh cũng chia sẻ về định hướng của Habeco trong phát triển sản phẩm 355 thay thế 450. Theo ông Thanh, bia chai 450 đã mang lại thành công, nhưng tại các thành phố lớn, người tiêu dùng có xu hướng chuyển uống chai nhỏ hơn nên Tổng công ty  định hướng năm 2018 sẽ  phát triển chai 355.

Habeco hiện cũng đang thực hiện chủ trương thoái vốn Nhà nước tại Habeco cũng như chủ trương thoái vốn của Habeco tại một số doanh nghiệp khác.

Theo đó, hiện Habeco vẫn đang trong quá trình trình Bộ Công thương xem xét, quyết định dự thảo phương án thoái vốn tại Habeco.

Trong khi đó, Công ty cũng triển khai việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại Công ty cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại, Công ty cổ phần Bất động sản Lilama, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Habeco, Công ty cổ phần sành sứ thủy tinh Việt Nam và Trường Đại học công nghiệp Vinh.

Về quy mô tổng tài sản, nguồn vốn tại Tổng công ty – Công ty mẹ tăng trưởng liên tục qua các năm từ 2013 đến 2017. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2013, tổng tài sản đạt 5.077,8 tỷ đồng, thì đến 31/12/2017, tổng tài sản Công ty mẹ lên tới 7.195,6 tỷ đồng (tăng 1,41 lần).

Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu các năm 2016, năm 2017 giảm do điều chỉnh theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức dẫn tới hạch toán giảm vốn chủ sở hữu và tăng khoản phải trả trên báo cáo tài chính năm 2017.

Về hoạt động tài chính, Ban kiểm soát Công ty đã đưa ra một số kiến nghị. Trong đó, Ban kiểm soát đề nghị Tổng công ty thực hiện việc thu hồi nợ tại Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Nghệ An theo đúng chỉ đạo của Bộ Công thương.

Các Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội và Công ty cổ phần Habeco Hải Phòng  hiện lỗ lũy kế trên vốn đầu tư chủ sở hữu khá cao, lần lượt là 127% và 31%. Do vậy, Ban kiểm soát cũng kiến nghị Tổng công ty giám sát tài chính đặc biệt đối với 2 đơn vị này.

Cũng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Habeco đã thông qua việc miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và bầu thay thế các thành viên mới.

Theo đó, các thành viên Hội đồng quản trị mới đắc cử gồm có ông Trần Đình Thanh, ông Ngô Quế Lâm, ông Stefano Clini. Các thành viên Ban kiểm soát được bầu ông và Đinh Thị Thanh Hải, và Chử Thị Thu Trang, ông Bùi Hữu Quang.

Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông Habeco cũng đã thông qua một số nội dung quan trong khác, bao gồm: Ban hành Quy chế quản trị công ty, sửa đổi điều lệ Công ty, lựa chọn đơn vị kiểm toán…

Tin liên quan
Tin khác