Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank kỳ vọng năm 2023 tín dụng của ngân hàng đạt 511,3 nghìn tỷ đồng hoặc cao hơn |
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tương 8,0%, so với mức 2,6% năm 2021, bất chấp những thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, ngành ngân hàng nói chung đã có một năm khá nhiều thách thức bao gồm môi trường lãi suất cao hơn với thanh khoản suy giảm, dẫn đến chi phí vốn tăng cao. Ngoài ra, những biến động trên thị trường trái phiếu và bất động sản, những mảng kinh doanh chính của Techcombank, đã tạo ra những thách thức nhất định đối với Ngân hàng.
Bất chấp những khó khăn này, Techcombank vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực, được củng cố bởi chiến lược khách hàng là trọng tâm, tăng cường hơn nữa thấu hiểu khách hàng và cung cấp cho họ các giải pháp được cá nhân hóa chuyên sâu. Không chỉ vậy, Techcombank tiếp tục đồng hành cùng người dân trên hành trình “Nâng tầm giá trị sống” thông qua các giải marathon tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM nhằm khuyến khích lối sống lành manh. Ngân hàng cũng tích cực tham gia và dẫn dắt các hoạt động cộng đồng và phát triển xã hội, với các khoản hỗ trợ trị giá gần 80 tỷ đồng.
Năm 2022 chứng kiến bước tiến dài trong hành trình chuyển đổi số của Ngân hàng khi các nền tảng tiên tiến nhất trên công nghệ điện toán đám mây bắt đầu tạo ra lợi thế cạnh tranh khi đi vào hoạt động. Cùng với đó, việc triển khai đầu tư mạnh mẽ vào 3 trụ cột chuyển đổi số hóa, dữ liệu và nhân tài đã giúp Techcombank đạt được những kết quả ấn tượng trong năm tài chính. Nối tiếp tốc độ tăng trưởng kép tổng thu nhập 25,8% trong giai đoạn 2016 - 2021, Ngân hàng ghi nhận 40,9 nghìn tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 10,3% so với 2021. Ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần và thu nhập từ phí tăng trưởng tích cực, bù đắp những khó khăn ở hoạt động kinh doanh mua bán chứng khoán hay ngoại hối (do lợi suất trái phiếu Chính phủ và chi phí hoán đổi tăng cao) và dịch vụ ngân hàng đầu tư bị ảnh hưởng bởi những diễn biến không thuận lợi trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu.
Tại ngày 31/12/2022, Tổng tài sản của Techcombank đạt 699,0 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cuối năm 2021. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ theo đúng mục tiêu chiến lược của Ngân hàng, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Trong điều kiện thị trường có nhiều biến động, Techcombank vẫn ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 15,2%, tỷ lệ nợ xấu (NPL) 0,7%, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 157,3%, qua đó phản ánh chiến lược quản lý rủi ro thận trọng và chất lượng tài sản dẫn đầu ngành ngân hàng.
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Techcombank |
Triển vọng 2023
Các cổ đông của Techcombank đồng thuận cao với kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận để đầu tư vào số hóa, dữ liệu và nhân tài, tập trung tăng tốc các sáng kiến chiến lược, xây dựng động lực tăng trưởng bền vững như đã đề ra trong chiến lược 2021 - 2025. Mặc dù vẫn tồn tại một số bất ổn toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và ngành Ngân hàng trong năm 2023, Ban lãnh đạo Techcombank tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời tự tin vào những năng lực cốt lõi, đặc biệt xây dựng trên nền tảng Dữ liệu – Số hóa – Nhân tài của Techcombank nhằm đón đầu những cơ hội này.
Năm 2023, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 22 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với 2022. Tín dụng của Ngân hàng được dự kiến tăng 15,0% lên 511,3 nghìn tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế khi Ngân hàng tiếp tục phát huy thế mạnh từ việc tối ưu hóa việc quản lý tài sản nợ - có (ALM). Techcombank ước tính kiểm soát và duy trì nợ xấu dưới 1,5%.