. |
Chương trình do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì; Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm và Viện Trần Nhân Tông triển khai.
Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chương trình gồm: Lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông; Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.. (ngày 6/12); Lễ cúng Phật, cúng Tổ và nhiễu tháp Phật Hoàng tại chùa Hoa Yên, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí; Lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và Khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, Lễ truyền đăng “Phật giáo Trúc Lâm – Hội tụ và lan tỏa” tại Trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh – sân lễ hội Chùa Trình (ngày 7/12).
Cư sĩ Tịnh Khoa dẫn dắt chương trình Đại lễ |
Đặc biệt, Hội thảo Khoa học Quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa” sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, với sự tham dự của hơn 400 nhà khoa học, đại diện nhiều đơn vị học thuật trong và ngoài nước, với hơn 135 tham luận, trong đó có 34 tham luận của các học giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Hành trang, đặc sắc tư tưởng, văn hóa của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm; vai trò, ảnh hưởng trong lịch sử, hiện tại và xu hướng tương lai; Phật giáo tại các quốc gia trong khu vực và trên Thế giới – tiếp cận địa văn hóa và nghiên cứu so sánh; Phật giáo và các vấn đề đời sống con người đương đại…
Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là người có nhiều đóng góp và có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với Đời – Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo đoàn kết nhân dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Chiến thắng ấy còn mãi mãi khắc ghi trong lịch sử vàng dân tộc. Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, Ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, phát triển mở mang đất nước.
Trung tâm văn hóa Trúc Lâm |
Với Đạo – Ngài là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm, nền Phật giáo thống nhất riêng có của người Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, Ngài chủ trương xây Đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa trong trăm họ, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, hòa hợp trong gia đình, hòa hợp quốc gia…Tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.