Ngân hàng - Bảo hiểm
Đảm bảo an ninh thanh toán số của Việt Nam
Paul Fabara - 10/01/2020 15:55
Khi Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt, các vấn đề an ninh xung quanh hệ thống thanh toán kỹ thuật số cần được sớm giải quyết để đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
TIN LIÊN QUAN
.

Bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt

Những năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, dịch vụ Internet Banking, ví điện tử và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích cực đón nhận thanh toán kỹ thuật số bởi tính tiện lợi và tốc độ thanh toán nhanh chóng, do đó, hình thức thanh toán này được sử dụng thường xuyên hơn trong các giao dịch trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến.

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt từ 90% năm 2016 xuống 10% vào cuối năm 2020. Khoảng hai phần ba dân số Việt Nam đang dùng Internet và có 72% dân số đang dùng điện thoại thông minh vào năm 2018. Thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tới 25 - 30% trong những năm qua, nhờ tầng lớp trung lưu phát triển và thích mua sắm. Những điều này chứng tỏ, Việt Nam là thị trường tiềm năng về dịch vụ thanh toán không tiền mặt.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tổng giá trị giao dịch sử dụng các giải pháp thanh toán số tại Việt Nam đạt 8,52 tỷ USD trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trong giai đoạn 2019 - 2023 ước đạt bình quân 12,7%/năm, tương ứng với tổng giá trị giao dịch sử dụng các giải pháp thanh toán số đạt 13,74 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, số lượng giao dịch không tiền mặt gia tăng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu về bảo mật thanh toán tăng cao. Theo khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, bảo mật vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt.

Cụ thể, khi được hỏi về những lo ngại nhất khi sử dụng điện thoại để thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam liệt kê những trường hợp như khi họ mất điện thoại, điện thoại bị hack hoặc xâm nhập trái phép vào dữ liệu cá nhân, điện thoại bị nhiễm virus hay cài đặt phần mềm độc hại.

Nhằm thắt chặt an ninh thanh toán hướng đến tương lai không tiền mặt, Visa - công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới - đã công bố Lộ trình An ninh thanh toán cho Việt Nam vào tháng 3/2019. Lộ trình của Visa tập trung khai thác các sáng kiến đột phá, hỗ trợ phát triển an ninh trong thanh toán, nhằm đáp ứng được tốc độ mà công nghệ đang thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng.

Các hình thức thanh toán không tiền mặt, như thẻ tín dụng, dịch vụ Internet Banking, ví điện tử... đang bùng nổ.

Năm dự đoán về bảo mật thanh toán cần lưu ý trong thập kỷ mới

Đến nay, ngành thanh toán kỹ thuật số đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc đánh giá mức độ rủi ro, ngăn chặn gian lận, bảo vệ hàng tỷ giao dịch theo hình thức thanh toán mới được người dùng thực hiện. Bước sang một thập kỷ mới, việc tiếp tục mở rộng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam và trên thế giới sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức. Visa vừa công bố 5 dự đoán về bảo mật thanh toán cần lưu ý trong thập kỷ mới.

Vấn đề vi phạm dữ liệu vẫn tiếp tục diễn ra, buộc phải áp dụng các hình thức bảo mật thông minh và nâng cao hơn nhằm bảo vệ dữ liệu và quản lý gian lận. Cách phòng tránh tốt nhất là giả định tổ chức của bạn là mục tiêu bị tấn công, nên cần phải tiến hành các bước chủ động để tránh trở thành nạn nhân hoặc ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu bị đánh cắp trong các hệ thống.

Theo Visa, thế giới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc áp dụng mã thông báo thanh toán và đặc biệt là công nghệ Chip EMV 3D Secure. Mã thông báo thanh toán không đảm bảo an toàn giao dịch bằng cách loại bỏ việc chuyển dữ liệu thanh toán thực tế khi thanh toán di động, thương mại điện tử và giúp trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số nhanh chóng, suôn sẻ hơn. Trong khi đó, công nghệ thẻ Chip EMV, 3D Secure được nâng cấp, cho phép trao đổi dữ liệu “thật” gấp 10 lần giữa người bán hàng và các tổ chức tài chính. Nhờ vậy, cả hai bên có thể đưa ra quyết định nhanh hơn, quản lý gian lận trong các kênh kỹ thuật số và tối ưu hóa doanh số hiệu quả hơn.

Một xu hướng toàn cầu khác là danh tính kỹ thuật số thường được sử dụng để cải thiện trải nghiệm cho người dùng. Để đảm bảo tính bảo mật, bên cạnh các cách tiếp cận truyền thống như nhập mật khẩu và thông tin thanh toán thủ công cho mỗi giao dịch, danh tính kỹ thuật số sẽ giúp quy trình thanh toán trở nên nhanh chóng, dễ dàng và an toàn hơn khi sử dụng máy tính, thiết bị di động, ứng dụng, thiết bị đeo và thiết bị Internet vạn vật (IoT) trong tương lai.

Thế giới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc áp dụng mã thông báo thanh toán và đặc biệt là công nghệ Chip EMV 3D Secure.

Trong bối cảnh các thách thức trong gian lận thanh toán vẫn còn tiếp diễn, danh tính kỹ thuật số có thể chấm dứt việc sử dụng mật khẩu. Do đó, người tiêu dùng có thể chuyển sang các phương thức xác thực an toàn hơn như xác thực khuôn mặt, dấu vân tay hay giọng nói. Người tiêu dùng châu Âu sẽ bắt đầu trải nghiệm Xác thực Khách hàng hiệu lực cao (Strong Customer Authentication - SCA). Đây là yêu cầu của Liên minh châu Âu đối với người tiêu dùng cho việc xác minh nhiều lớp khi thực hiện các giao dịch kỹ thuật số. Khi các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu này tại châu Âu, các công ty toàn cầu có thể tìm cách mở rộng các giải pháp xác thực sáng tạo nhất cho các thị trường khác.

Các doanh nghiệp và tổ chức tài chính sẽ phải đáp ứng nhu cầu thanh toán tốc độ cao của khách hàng bằng các hình thức thanh toán mới, nhanh chóng và an toàn. Hiện nay, Visa đang nghiên cứu các phương thức thanh toán sáng tạo hơn, từ xác thực sinh trắc học và thiết bị đeo tay cho đến các ứng dụng di động mới như thẻ phát hành kỹ thuật số tại Thế vận hội Olympic và Paralympics Tokyo 2020.

Thanh toán theo thời gian thực (RTP) là một sáng kiến toàn cầu khác đã phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, phương thức thanh toán này sẽ yêu cầu một cách tiếp cận mới để ngăn chặn gian lận. Điều đáng chú ý là, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào tốc độ và sự thuận tiện của các hình thức thanh toán, do đó, hình thức điện chuyển tiền (wire transfer) qua ngân hàng và thanh toán séc dần bị thay thế bằng hình thức thanh toán tức thời (instant payment). Tuy nhiên, tốc độ và sự tiện lợi không đồng nghĩa với bảo mật thanh toán.

Khi khối lượng thanh toán giữa các mạng RTP và các ứng dụng ngang hàng (P2P) ngày càng tăng sẽ có nhiều lỗ hổng có thể nhận biệt cũng như không thể nhận biết trong các hệ thống cần phải được xử lý nhanh chóng. Do đó, các nhà cung cấp RTP và tổ chức tài chính cần nâng cao khả năng xử lý và tăng cường hợp tác với các đối tác đáng tin cậy trong bảo mật thanh toán để giải quyết thách thức này.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ mới trong thanh toán, có tác động đáng kể đến xã hội. Tuy nhiên, AI cũng có thách thức khi được sử dụng bởi các đối tượng xấu. Ví dụ, Internet bị chia tách để trở thành web nổi, web đen và web chìm, hay mạng xã hội đang được sử dụng ngoài mục đích ban đầu là kết nối bạn bè và gia đình. Thách thức của việc ứng dụng AI trong những năm tới đòi hỏi nỗ lực chung của các ngành để hạn chế mặt trái của công nghệ và đảm bảo AI được sử dụng để đem đến cơ hội và tiến bộ xã hội.

Trên hết, người dùng sẽ tiếp tục là liên kết yếu nhất trong quy trình kỹ thuật số. Công nghệ đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong một thời gian dài - từ kiểm tra chính tả trong các chương trình soạn thảo văn bản và các ứng dụng email, đến phanh tự động trong một số xe ô tô ngày nay. Những tiến bộ trong bảo mật thanh toán, như công nghệ Chip EMV sẽ giúp giảm bớt gian lận trong thanh toán. Tuy nhiên, công nghệ chỉ có thể ngăn chặn gian lận trong một phạm vi nhất định, bởi nó vẫn cần được vận hành bởi con người và con người vẫn thường mắc sai lầm.

Ngoài ra, các cuộc tấn công phi kỹ thuật (social engineering) sẽ tiếp tục phát triển, hướng đến những người dùng thiếu cảnh giác. Chỉ cần một người trở thành nạn nhân, thì toàn bộ tổ chức hoặc hệ thống mạng sẽ gặp rủi ro. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần phổ cập và trao cho người dùng những công cụ thiết yếu, bởi họ chính là “tuyến phòng thủ” đầu tiên và quan trọng.

Người dân, các doanh nghiệp và tổ chức sẽ phát triển khi các rào cản được tháo gỡ và niềm tin được củng cố. Giữ vững niềm tin đó đòi hỏi phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa ra nhiều lựa chọn, cũng như tăng cường cam kết đối với an ninh thanh toán. Đây chính là thời điểm tốt nhất để chúng ta có thể dẫn dắt và thúc đẩy sự thay đổi trong bảo mật thanh toán và tạo ra chất xúc tác cho tăng trưởng. Bằng cách rút ra bài học từ những năm vừa qua, chúng ta có thể vừa giải quyết thách thức trong tương lai, vừa tận dụng cơ hội trong xã hội ngày càng số hóa như hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác