Đáp ứng đủ nhu cầu của người dân
Thông tin từ Tập đoàn Central Retail Việt Nam, trước lo ngại ảnh hưởng của bão số 3, tại nhiều nơi, nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng hơn trước. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, GO!, Big C chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau, củ, quả tươi sống; đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá.
Nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng tại nhiều nơi. |
“Tại miền Bắc, chúng tôi đã tăng thêm thời gian mở cửa kéo dài tới 23 giờ, thay vì 22 giờ như ngày thường. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C Hải Phòng, Quảng Ninh sáng ngày 6/9, hàng hoá khá dồi dào, người dân chủ yếu đi mua hàng thiết yếu để dự trữ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng gấp 3-5 lần thông thường”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ.
Với AEON Việt Nam, trong ngày 5-6/9, các Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị khu vực phía Bắc ghi nhận, khách hàng tập trung mua chủ yếu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, cá thịt, mì tôm, gạo… Đặc biệt đối với AEON Hải Phòng, do vị trí gần biển chịu ảnh hưởng nhiều từ bão nên sức mua tăng khoảng 20% so với ngày thường.
“Hiện AEON khu vực phía bắc đã nâng lượng hàng dự trữ gấp 2-3 lần ngày thường, đặc biệt là với các mặt hàng đồ tươi sống. Bên cạnh đó, AEON cũng tập trung vào một số mặt hàng cần sử dụng trong những tình huống bị mất điện, mất nước như: Đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần... Những sản phẩm này được trưng bày ở những vị trí thuận tiện dễ nhìn, dễ lấy để khách hàng dễ dàng tìm thấy”, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam cho hay.
Tại hệ thống MM Mega Market Việt Nam, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng nhóm thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống thông tin, chiều ngày 5/9 lượng khách tại các trung tâm MM miền Bắc như: MM Thăng Long, MM Hoàng Mai, MM Hà Đông (Hà Nội), MM Hồng Bàng (Hải Phòng), MM Vinh có lượt mua sắm tăng hơn 3 lần so với ngày thường. Các giỏ hàng mua sắm đều rất lớn.
Do đó, MM đã tăng dự trữ mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau lá và củ quả (tăng gấp 3 lần so với ngày thường), thịt cá (dự trữ tăng gấp 2,5 lần)… Đặc biệt ở rau lá và thịt, nhân viên tại siêu thị phải liên tục đưa hàng lên kệ. Các mặt hàng thực phẩm khô thiết yếu như gạo, mì, dầu ăn, đường… luôn sẵn lượng dự trữ lớn, đảm bảo nhu cầu xuyên suốt mùa mưa bão.
Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. |
Bộ Công thương chỉ đạo
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, ngày 6/9, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Hiện Sở Công thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn… đã ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.
Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.
“Hệ thống siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 cần có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...”, Bộ Công thương chia sẻ.
Hiện lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.