Doanh nghiệp
Đạm Cà Mau cán đích sản lượng 3 triệu tấn
Anh Việt - 31/12/2015 16:39
Ngày 23/12/2015, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cán mốc sản lượng sản xuất 3 triệu tấn urea sau 4 năm hoạt động an toàn, ổn định. Đây là một dấu mốc đáng tự hào trên chặng đường phát triển của Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) nói chung.
Đạm Cà Mau không chỉ đáp ứng 40% nhu cầu phân bón trong nước, mà còn tiên phong thâm nhập thị trường nước ngoài

Đáp ứng 40% nhu cầu phân bón trong nước

Việc cán mốc sản lượng 3 triệu tấn trước kế hoạch nhiều tháng của Đạm Cà Mau, theo phân tích của lãnh đạo Công ty, là nhờ nhiều yếu tố. Trước hết là do Công ty sở hữu dây chuyền sản xuất tiên tiến bậc nhất khu vực Đông Nam Á, các thiết bị chính hầu hết đều có xuất xứ từ các nước trong khối G7. Cùng với đó là tinh thần làm việc cống hiến, tâm huyết, luôn làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân Công ty để nhà máy vận hành tuyệt đối an toàn, phát huy tối đa công suất.

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, nhưng tới nay, Đạm Cà Mau đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu phân bón trong nước, đưa PVCFC trở thành một trong những nhà sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu của Việt Nam. Với sứ mệnh cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng, vì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, PVCFC đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiên cứu sản phẩm mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án khí - điện - đạm Cà Mau cho biết, là dự án trọng điểm quốc gia, ngay từ đầu, Nhà máy Đạm Cà Mau được xác định đầu tư lớn với công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, nhằm đủ năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước, mà cả ở các thị trường quốc tế. Trong định hướng của Tập đoàn Dầu khí, sản xuất đạm thuộc nhóm ngành chế biến sâu lọc hóa dầu, một trong những lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, bởi vậy, Đạm Cà Mau luôn được quan tâm và hỗ trợ để đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất.

Được sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí cũng như được kế thừa thương hiệu PVN, sản phẩm có chất lượng tốt và chính sách kinh doanh hợp lý, thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường trong nước, được người nông dân tin cậy gửi gắm hy vọng vào những mùa vàng thắng lợi. Từ chỗ chỉ hiện diện ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay, Đạm Cà Mau đã mở rộng thị trường ra toàn quốc.

Tiên phong thâm nhập thị trường nước ngoài

Không chỉ khẳng định nhà cung ứng phân bón urea hàng đầu trong nước, PVCFC còn tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong thâm nhập thị trường nước ngoài. Sản phẩm Đạm Cà Mau hiện đã có mặt ở nhiều thị trường châu Á, như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Bangladesh, Nhật Bản. Ở thị trường nào, sản phẩm Đạm Cà Mau cũng được khách hàng đánh giá cao. Năm 2015, Công ty đã triển khai phát triển hệ thống phân phối, thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng tại thị trường Campuchia và tiêu thụ được gần 100.000 tấn.

Với những nỗ lực khẳng định chất lượng sản phẩm và thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” trên thị trường, PVCFC đã có những bước tăng trưởng ổn định trong 4 năm qua. PVCFC tự hào là một trong 63 doanh nghiệp trong cả nước có sản phẩm được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2014 và 2 lần được trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt, dù mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm.

Không dừng lại ở sản phẩm truyền thống, PVCFC định hướng tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngày 26/11/2015, PVCFC đã chính thức ra mắt sản phẩm mới - phân bón cao cấp N.Humate+TE. Sản phẩm này đánh dấu quá trình trưởng thành trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm của PVCFC, góp phần đa dạng hóa sản phẩm phân bón chất lượng cao, tạo cơ hội thuận lợi cho bà con nông dân tiếp cận được với các sản phẩm phân bón mới có các đặc điểm và tính năng nổi trội.

Năm 2015 cũng là năm đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác quản trị của PVCFC. Công ty đã bắt tay triển khai xây dựng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro theo chuẩn mực COSO (Mỹ), khởi đầu cho một loạt hoạt động nâng cao công tác quản trị công ty khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Nhờ những giải pháp đồng bộ này, PVCFC đã tiết giảm được chi phí, giảm giá thành sản xuất, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của Công ty.

Ngày 12/12/2015, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cán mốc sản xuất 782.000 tấn sản phẩm, về đích sớm 20 ngày so với kế hoạch năm 2015. Dự kiến, trong 2015, Đạm Cà Mau sản xuất 820.000 tấn urea, đạt 105% kế hoạch năm; sản lượng tiêu thụ 789.000 tấn, đạt 101% kế hoạch, ghi nhận tổng doanh thu 5.994 tỷ đồng. Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động, PVCFC luôn sản xuất - kinh doanh vượt kế hoạch đề ra.

Tin liên quan
Tin khác