Doanh nghiệp
Đạm Cà Mau tăng trưởng mạnh trong quý I
Khắc Lâm - 22/04/2017 21:35
Sản lượng và doanh thu trong quý I đều vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt, lợi nhuận sau thuế tăng 87% so với cùng kỳ năm 2016. Với triển vọng tích cực của ngành phân bón trong 2017 và những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đang kỳ vọng về một năm kinh doanh thành công.

Quý I tăng trưởng mạnh

Số liệu đưa ra tại Hội nghị Sơ kết công tác sản xuất, kinh doanh quý I/2017 vừa được CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - mã chứng khoán DCM) tổ chức mới đây cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2017, sản lượng tiêu thụ của DCM đạt 180.000 tấn, nhà máy hoạt động ổn định, liên tục với công suất 103%. Nhờ giá bán các mặt hàng phân bón tăng mạnh và sản lượng tiêu thụ tích cực, tổng doanh thu đạt khoảng 1.154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 212,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 87% so với cùng kỳ năm 2016, vượt các kế hoạch quý đã đề ra. Đặc biệt, tại thị trường xuất khẩu trọng điểm Campuchia, nơi DCM đang chiếm tới 38% thị phần, sản lượng tiêu thụ quý I tăng gấp 5 lần cùng kỳ. 

Ban lãnh đạo DCM nhận định, có được kết quả tích cực này, bên cạnh sự thuận lợi của thị trường phân bón trong nước khi nguồn cung urea từ một số nước xuất khẩu lớn sụt giảm khiến giá urea hạt đục trên thế giới và trong nước tăng, không thể không kể đến những đóng góp không nhỏ từ sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên toàn Công ty.

Mô hình trình diễn thử nghiệm sản phẩm N46.Plus của Đạm Cà Mau.

Từ đầu năm 2017, thị trường phân bón trong nước ghi nhận nhiều yếu tố tích cực: giá phân urea hồi phục mạnh do ảnh hưởng giá nhiên liệu (dầu khí, than đá…) tăng và chính sách cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc - quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón, hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt phân bón Trung Quốc vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế 0%, giúp doanh nghiệp kỳ vọng gia tăng hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận nhờ được hoàn thuế đầu vào, khi đề xuất được thông qua. Thêm nữa, tình hình khí hậu cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và Tây Nguyên - những thị trường chính của DCM, diễn biến thuận lợi cho hoạt động trồng trọt, không còn hiện tượng Elnino khắc nghiệt, khô hạn, xâm nhập mặn… giúp nhu cầu tiêu thụ phân bón được dự báo gia tăng.

Ngoài các yếu tố tích cực từ thị trường, DCM đang được hưởng nhiều ưu đãi như thuế suất thu nhập doanh nghiệp danh nghĩa hiện là 5%, duy trì trong 8 năm tới. Giá khí đầu vào giai đoạn 2015 - 2018 được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ, đảm bảo lợi nhuận đạt 12% trên vốn chủ sở hữu, giúp kết quả kinh doanh ít bị ảnh hưởng hơn so với các doanh nghiệp có giá khí đầu vào thả nổi.

Có thể thấy, những diễn biến thuận lợi đã và đang phản ảnh vào hiệu quả kinh doanh của công ty, với kết quả quý I hoàn thành 21,65% kế hoạch doanh thu, 33,58% kế hoạch lợi nhuận, DCM hoàn toàn có thể vượt mức kế hoạch đã đặt ra trong năm 2017.

Đẩy mạnh đầu tư trong 2017

Đạm Cà Mau là một trong 2 nhà máy sản xuất phân bón urea có công suất lớn nhất hiện nay, đạt 800.000 tấn/năm, chiếm 30% năng lực sản xuất urea cả nước. Nhà máy mới được đầu tư và đưa vào vận hành từ năm 2012, có lợi thế về công nghệ sản xuất và vị trí đặt ngay tại đồng bằng sông Cửu Long, một trong hai vùng nông nghiệp trọng điểm, có nhu cầu phân bón cao nhất cả nước, giáp ranh thị trường xuất khẩu Campuchia.

Đại hội cổ đông thường niên 2017 của PVCFC sẽ thông qua một số chỉ tiêu quan trọng:

Vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả, sản lượng sản xuất - kinh doanh urea đạt 752.000 tấn, phân bón khác 75.000 tấn. Doanh thu hợp nhất 5.328 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 666 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu 12%.

Cổ tức 2017đạt 9%/mệnh giá. Nộp ngân sách nhà nước 50 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư dự kiến 540,5 tỷ đồng. Ưu tiên thực hiện 2 dự án trọng điểm là Nhà máy Phân bón phức hợp urea nóng chảy (NPK) công suất 300.000 tấn/năm và Dự án Cảng nhập nguyên liệu công suất đạt 500.000 tấn.

Trong năm 2016, dù thị trường phân bón gặp nhiều khó khăn, DCM vẫn duy trì sản lượng sản xuất đạt 804.000 tấn, sản lượng kinh doanh đạt 812.000 tấn, tăng lần lượt 0,7% và 5.8% so với năm 2015, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra và nhà máy vận hành an toàn với công suất trung bình 101,35%. Từ tháng 10/2016, Đạm Cà Mau đã nâng công suất lên 110%. Bước sang năm 2017, xác định thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, DCM đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu hợp nhất 5.328 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 633 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,5% và 2,1% so với thực hiện năm 2016 và chia cổ tức dự kiến 9%.

Trong năm 2017, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất phân bón urea, DCM cũng đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm mới chất lượng cao, mang thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tiết kiệm chi phí như N46.Plus, N.Humate+TE, N.Nano C+…

Với N.Humate+TE ra đời vào năm 2015, Nhà máy đã sản xuất ổn định từ tháng 12/2016 với công suất 30.000 tấn/năm, sản phẩm được thị trường đánh giá cao. Còn N46.Plus, sau khi sản xuất thử nghiệm giới thiệu ra thị trường, cũng cho thấy những thông số tích cực như giúp tiết kiệm phân bón 20 - 30%, tăng năng suất cho cây trồng 5% - 7%. Khi triển khai diện rộng trên diện tích lúa tại Tây Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên trong quý I/2017, đã giúp bà con tăng hơn 2 triệu đồng/ha. DCM kỳ vọng, N46.Plus sẽ được thị trường đón nhận tích cực, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

DCM hiện cũng đang nghiên cứu, triển khai Dự án sản xuất Phân bón phức hợp NPK cao cấp với công suất 300.000 tấn/năm, nhằm góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận, cũng như cơ hội cho xuất khẩu. Đầu tháng 3/2017, Dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), tiếp theo sẽ cập nhật lại giá trị dự toán đầu tư, đánh giá lại hiệu quả toàn diện trước khi chính thức triển khai thực hiện, dự kiến khởi công vào quý II/2017 và đi vào vận hành cuối năm 2018. Đây là Dự án được đánh giá có nhiều tiềm năng, đem lại đột phá cho DCM khi hoàn thành, bởi nhu cầu thị trường NPK trong nước đang rất lớn, khoảng 4 triệu tấn, nhưng mức cung của các nhà máy trong nước hiện chỉ hơn 1 triệu tấn. Đặc biệt, thu nhập từ các hoạt động này sẽ được tính ngoài mức ROE cam kết 12% của PVN.

Bên cạnh đó, Dự án Cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm cũng đang tích cực được triển khai, hiện đã hoàn thành báo cáo kết quả khảo sát địa hình, địa chất và đang lập thiết kế hệ thống công nghệ, xây dựng. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng đồng bộ với Dự án NPK.

Ban lãnh đạo DCM cho rằng, dù tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2017 đã đạt đươc những kết quả khả quan, tuy nhiên, trong 3 quý tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức. Trong thời gian tới, DCM sẽ tiếp tục đổi mới mô hình kinh doanh, thực hiện chính sách bán hàng linh hoạt, bám sát để giữ thị phần tại các thị trường mục tiêu và phát triển các thị trường tiềm năng. Tiếp đó, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị truyền thông, rà soát hệ thống phân phối, nhằm duy trì vị thế số một tại thị trường Tây Nam Bộ, gia tăng thị phần tiêu thụ tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Campuchia và mở rộng thị trường ra khu vực miền Bắc và miền Trung.

Công ty xác định, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thông qua việc triển khai hàng loạt các dự án như xây dựng hiến lược công ty, ERP giai đoạn II, triển khai Dự án BigData, vận hành nhà máy an toàn, ổn định, hiệu quả; tuân thủ giải pháp về tiết kiệm, tiết giảm chi phí, đặc biệt các chi phí nguyên liệu chính (khí, điện, hóa chất chính) so với định mức; xây dựng các phương án nhằm đảm bảo tối đa công suất trong trường hợp nguồn cung khí giảm, qua đó tạo tiền đề tốt để hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ của cả năm.

Tin liên quan
Tin khác