Đầu tư
Đạm Ninh Bình: Chưa thể bàn giao sau 2 năm vận hành
Thanh Hương - 18/06/2015 08:42
Vận hành thương mại từ năm 2012, nhưng tới nay, Dự án Nhà máy Sản xuất phân đạm urea từ than cám tại Ninh Bình (Nhà máy Đạm Ninh Bình) vẫn chưa thể quyết toán và bàn giao chính thức cho chủ đầu tư.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẩn trương rà soát các tồn tại của Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, chủ động đàm phán thanh lý Hợp đồng với nhà thầu EPC. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đến nay, việc quyết toán và bàn giao vẫn chưa xong.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem là chủ đầu tư có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, đặt tại Khu công nghiệp Ninh Phúc (Ninh Bình).

Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục bị thua lỗ. Ảnh: Đức Thanh

 

Dự án này sử dụng 100 triệu USD vốn tự có của Vinachem, 4,4 triệu USD vốn hỗ trợ của UBND tỉnh Ninh Bình, 250 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc và 312,6 triệu USD vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại.

Tổng thầu EPC của Dự án là China Huanqiu Contracting & Engineer Corp (HQCEC) của Trung Quốc. Trị giá hợp đồng EPC này là 88,8 triệu USD, cùng 17,512 triệu euro, 2.552 triệu nhân dân tệ và 752,55 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình sử dụng một số công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nhà bản quyền lớn trên thế giới, như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linde (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ tổng hợp urea của Snamprogetti (Italy), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp).

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2008, Dự án đã khởi công xây dựng vào tháng 5/2008, với kế hoạch hoàn thành xây dựng sau 42 tháng thi công.

Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urea/ngày. Tuy nhiên, đến ngày 30/3/2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn phân đạm đầu tiên và vận hành thương mại từ ngày 15/10/2012.

Nhưng khi đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tháng 5/2014, Vinachem đã phải có văn bản cầu cứu các cơ quan hữu trách nhằm hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Theo ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Vinachem, Công ty Đạm Ninh Bình đang rất khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, do nguồn cung urea tăng, trong khi giá liên tục giảm. Trong bối cảnh đó, năm 2012, doanh nghiệp này lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng và năm 2014 ước lỗ 500 tỷ đồng.

Đổ lỗi cho việc tăng giá than tác động đến hiệu quả kinh doanh của Công ty, trong khi các chi phí cố định như khấu hao, lãi vay không thể giảm được, nhưng Tổng giám đốc Vinachem cũng thừa nhận, Nhà máy Đạm Ninh Bình là công trình sản xuất hóa chất với quy mô khá lớn, dây chuyền, máy móc, thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, với chất lượng ở mức trung bình. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên dây chuyền thường xảy ra các sự cố và tiêu hao định mức chưa đạt theo thiết kế.

Do bị lỗ lớn, nên mục tiêu cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình vào cuối năm 2015 của Vinachem không được Chính phủ đồng ý và yêu cầu tính toán thời điểm thích hợp.

Trong báo cáo của Vinachem hồi tháng 12/2014, kế hoạch cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình đang vướng ở khâu đánh giá giá trị nhà máy, cùng với việc hoạt động của Đạm Ninh Bình bị lỗ nặng. Do lỗ lớn, doanh nghiệp không đủ nguồn trả nợ ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một đại diện của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình cho hay, năm 2015, với việc vận hành công suất ổn định, dự kiến Công ty hòa vốn. Dẫu vậy thì nguồn nhân lực chất lượng cũng là một bài toán nan giải với doanh nghiệp này. “Thu nhập của người có trình độ đại học tại Công ty  chỉ 5 - 6 triệu đồng/tháng, khiến doanh nghiệp khó giữ chân các nhân lực có trình độ cao”, vị đại diện của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình cho hay.

Tin liên quan
Tin khác